Triển vọng từ mô hình ương cua bột và nuôi cua thương phẩm ở xã Tịnh Khê

09:09, 06/09/2011
.

(QNg)- Năm 2011 là năm đầu tiên huyện Sơn Tịnh triển khai thực hiện mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm trong ao vùng triều, tại xã Tịnh Khê. Bước đầu mô hình đã đem lại kết quả khả quan, là hướng mở cho bà con nông ngư dân nuôi trồng thủy sản. 

Mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm trong ao vùng triều được thực hiện thí điểm tại ao nuôi của hộ ông Võ Văn Nô (thuộc xóm Khê Thủy, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê). Ngày 30/3/2011 hộ ông Nô đã thả gần 7.500 con cua bột. Thời gian ương cua bột lên cua giống 30 ngày. Kết quả giai đoạn ương cua bột lên cua giống đạt tỷ lệ sống trên 55% (vượt 5,6% so với chỉ tiêu).
 
Cua được vớt lên để kiểm tra chất lượng.
Cua được vớt lên để kiểm tra chất lượng.

Sau khi có con giống, ngày 30/4/2011 hộ nuôi bắt đầu thả 3.000 con cua giống trên diện tích 2.000m2. Cua giống thuộc nhóm cua lớn có kích cỡ mai cua 4 cm, trọng lượng bình quân 120 con/kg, mật độ thả 1,5 con/m2. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ương cua bột từ nguồn giống nhân tạo và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua xanh thương phẩm.

Sau tập huấn, nông ngư dân được tham quan mô hình nuôi cua xanh thương phẩm từ nguồn giống nhân tạo ương tại chỗ. Tất cả nông ngư dân đi tham quan mô hình đều đánh giá cua đẹp, sinh trưởng phát triển nhanh. Ngoài việc tổ chức tập huấn cho nông ngư dân, Trạm khuyến nông huyện còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, quản lý ao nuôi cua. Cán bộ kỹ thuật theo lịch định kỳ 15 ngày/lần, kiểm tra sức lớn của cua thông qua việc đo chiều rộng mai cua, trọng lượng bình quân, kiểm tra màu sắc, dấu hiệu bệnh lý...

Cách chăm sóc, quản lý ao nuôi cua được hộ nuôi thực hiện đảm bảo. Cua được hộ nuôi cho ăn bằng thức ăn tươi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Nguồn nước trong ao được hộ nuôi tận dụng theo con nước triều cường, để thay nước (lượng thay từ 20 đến 50% lượng nước trong ao). Ngoài ra hộ nuôi còn tuân thủ nguyên tắc điều chỉnh môi trường bằng hóa chất, chế phẩm sinh học. Định kỳ hàng tuần hộ nuôi đánh vôi Supe Canxi để ổn định độ pH, bón đolomite để ổn định độ kiềm của nước nuôi... Nhờ thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, cua sinh trưởng phát triển khá nhanh, đến nay sau 3 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 230 gam/con. Ông Võ Văn Nô cho biết: "Thực hiện mô hình nuôi cua xanh thương phẩm, hiện nay tôi đã bán được gần 1 tạ (8 lần bán). Mô hình này có triển vọng, đạt hiệu quả kinh tế".

Theo dự kiến sản lượng thu hoạch của mô hình đạt trên 333 kg, với giá cua thương phẩm (cua xô) 120 ngàn đồng/kg, ước tính doanh thu đạt 44 triệu 130 ngàn đồng, thu lãi 17 triệu đồng. Được biết tổng kinh phí thực hiện mô hình nuôi cua hơn 27 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 14 triệu đồng, hộ nuôi đầu tư trên 12,8 triệu đồng). Đây là mô hình có triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình.

Mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm trong ao vùng triều được huyện Sơn Tịnh áp dụng lần đầu tiên nhằm giúp cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông, bà con nông ngư dân nuôi trồng thủy sản tiếp cận, làm quen với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới so với cách nuôi truyền thống từ nguồn cua giống tự nhiên. Đồng thời nhằm đa dạng đối tượng trong nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng nuôi độc canh con tôm, hạn chế bớt địch hại và tình hình dịch bệnh thủy sản lây lan dẫn đến nhiều diện tích hồ ao bị bỏ hoang, tạo cho nông ngư dân sử dụng hiệu quả hơn trong diện tích ao nuôi của gia đình mình.

Ông Phạm Văn Tùng - Phó trưởng Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: "Những năm gần đây, ở 3 xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa các hồ nuôi tôm đều bị dịch bệnh và nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang. Do đó Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình ương cua bột và nuôi cua xanh thương phẩm, đã đạt kết quả khả quan. Trong thời gian tới, Trạm khuyến nông huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện ở những vùng có diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang".

Kim Cúc

.