Khai thác đất ở núi Lệ Thủy (Tịnh Châu -Sơn Tịnh): Doanh nghiệp bất chấp các quy định của Nhà nước

08:09, 08/09/2011
.

(QNg)- Thời gian qua, một số doanh nghiệp tổ chức khai thác đất ở núi Lệ Thuỷ, xã Tịnh Châu (Sơn Tịnh) làm vật liệu, san lấp mặt bằng đã gây bức xúc cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do sự can thiệp không kịp thời của các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh, làm cho tình hình diễn biến phức tạp.

Nguyên vùng đất núi Lệ Thủy, trước đây thuộc quyền quản lý của UBND xã Tịnh Châu. Ngày 26/10/2003 UBND xã đã tổ chức họp dân và thống nhất chia lại diện tích đất rừng cho người dân thôn Lệ Thủy quản lý và trồng cây lâm nghiệp, với mục đích phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo điều kiện cho người dân trong vùng ổn định kinh tế lâu dài. UBND xã đã tiến hành chia đất rừng làm 3 khu vực (dựa vào địa hình và địa giới) với tổng diện tích 49,5 ha cho 10 tổ. Sau khi được giao đất, các hộ dân đã tiến hành cải tạo đất, mua cây giống về trồng trên phần đất được giao. "Vì không có nhiều kinh phí nên mỗi năm các thành viên trong tổ nộp tiền để mua cây giống về trồng dần, thuê thành viên trong tổ trông giữ rừng. Sau 7 năm vừa trồng vừa chăm sóc, đã gần đến lúc khai thác thì UBND huyện Sơn Tịnh lại cấp giấy phép cho 6 C.ty khai thác đất làm vật liệu san lấp"- Ông Nguyễn Thành Sơn - tổ trưởng tổ 4 cho biết.
 
 Mặc dù bị đình chỉ khai thác, nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục xe tải ra vào khu vực núi Lệ Thủy để chở đất.
Mặc dù bị đình chỉ khai thác, nhưng hàng ngày vẫn có hàng chục xe tải ra vào khu vực núi Lệ Thủy để chở đất.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối năm 2010 UBND huyện Sơn Tịnh đã phê duyệt quy hoạch khu vực khai thác đất núi Lệ Thủy làm vật liệu san lấp mặt bằng các công trình trên địa bàn huyện (với diện tích 11,24 ha tại Quyết định số 2321/QĐ-UBND ngày 21/11/2010). Sau đó UBND huyện đã cấp phép khai thác cho 6 doanh nghiệp (C.ty TNHH Thương mại Phú Trường 5,4 ha; DNTN Xây dựng và Thương mại Hoàng Phát 1,5 ha; C.ty TNHH MTV Hà My 1,5 ha; DNTN Sơn Cường  1,7 ha; C. ty TNHH Xây lắp Minh Thành 3 ha; C.ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường 1,5 ha). Đến ngày 4/6/2011 có 4 doanh nghiệp được cấp phép đã thực hiện xong việc đền bù cho dân, riêng C.ty TNHH Thương mại Phú Trường, C.ty TNHH Xây lắp Minh Thành chưa hoàn tất việc đền bù cho người dân tổ 4 và tổ 5, nhưng vẫn tiến hành khai thác đất, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Thành Sơn cho biết: "Sở dĩ chúng tôi vẫn chưa nhận tiền đền bù là do mức bồi thường chưa thỏa đáng. Vì đất núi Lệ Thủy đã được UBND xã giao cho dân, nên việc sử dụng đất của 10 tổ là hợp pháp. Mặt khác đất núi Lệ Thủy là đất trồng rừng ở vị trí 2 (với mức giá 6.000 đồng/m2) và phải hỗ trợ 2,5 lần giá đất. Chúng tôi phải chịu mất một phần diện tích đất vĩnh viễn, nhưng chỉ được giải quyết bồi thường 1.200 đồng/m2 là không thể chấp nhận được".

Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Văn Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu lý giải: Sau khi UBND huyện quy hoạch và cấp phép khai thác đất cho doanh nghiệp, UBND xã phối hợp với các C.ty và trưởng thôn Lệ Thủy tiến hành kiểm kê đất đai, cây cối... bị ảnh hưởng trong vùng dự án; lập phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường cho dân. Đến nay có 8/10 tổ dân cư và 26 hộ gia đình, cá nhân đã nhận tiền bồi thường.

Riêng tổ dân cư số 4 (do ông Nguyễn Thành Sơn làm tổ trưởng) và tổ dân cư số 5 (do ông Huỳnh Hân làm tổ trưởng) không nhận tiền bồi thường. Yêu cầu mức bồi thường của ông Nguyễn Thành Sơn và ông Huỳnh Hân là không đúng với quy định. "Việc ông Hạ Tân- Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu lúc bấy giờ tiến hành họp và giao đất cho các hộ dân ở thôn Lệ Thủy, xã Tịnh Châu trồng rừng là không đúng theo thẩm quyền quy định tại Điều 24 Luật Đất đai năm 1998 đã được sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật Đất đai năm 1993. Đó là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất cho các tổ chức; UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân. Do đó sai sót này thuộc về Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu lúc bấy giờ"- ông Sinh nhấn mạnh.

Riêng việc xác định hỗ trợ thửa đất theo vị trí số 3, giá 4.000 đồng/m2 được áp dụng theo Quyết định số 2080/QĐ-UBND ngày 11/12/2008 của UBND huyện Sơn Tịnh và theo Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 27/12/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh. Áp giá hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính bằng 30% giá trị bồi thường đất có cùng mục đích sử dụng của thửa đất đó (tức là số tiền thực nhận của người dân là 1.200 đồng/m2 đối với đất rừng sản xuất thuộc vị trí 3, nguồn gốc do UBND xã quản lý).

Ngoài ra các C.ty không thực hiện đúng tinh thần Công văn số 734/UBND của UBND huyện Sơn Tịnh ngày 01/7/2011 về việc tạm dừng hoạt động khai thác đất đồi làm vật liệu san lấp tại xã Tịnh Châu. Bởi lẽ, 6 đơn vị nêu trên đã được UBND huyện Sơn Tịnh cấp giấy phép khai thác đất núi Lệ Thủy, nhưng chưa hoàn tất thủ tục về đất đai; chưa đền bù thỏa đáng cho dân, chưa lập phương án phục hồi môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác. Trong quá trình khai thác, các đơn vị này chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, nên đã gây ô nhiễm môi trường đến khu dân cư xung quanh. UBND huyện Sơn Tịnh yêu cầu các doanh nghiệp sau khi hoàn tất các thủ tục hồ sơ sau giấy phép, thì mới được tiếp tục khai thác. Tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn bất chấp, tiếp tục hoạt động khai thác, dẫn đến trên 100 hộ dân trong thôn đã làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền.

Trước đó, nhiều người dân thôn Lệ Thủy đã đến cản trở không cho các C.ty lấy đất. Đỉnh điểm là vào ngày 26/6/2011, một nhóm người dân trong thôn đã chặn xe dùng hung khí đánh người điều khiển xe vận tải bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại Đà Nẵng. Đến 14 giờ cùng ngày, một số người kéo lên mỏ đất dùng rựa đập vỡ kính xe tải... Thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh và huyện Sơn Tịnh cần nhanh chóng vào cuộc giải quyết việc khiếu nại của dân, xử lý nghiêm những doanh nghiệp khai thác đất bất chấp các quy định của Nhà nước, nhằm đảm bảo trật tự trên địa bàn khu dân cư.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

.