Đánh thức thị trường nông thôn

08:09, 12/09/2011
.

(QNg)- Một trong những kết quả nổi bật sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là tổ chức thành công hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Những chuyến hàng ấy đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nông thôn, xây dựng chiến lược chiếm lĩnh thị trường có đến 70% dân số nhưng còn bị bỏ ngỏ này...

Một công - hai việc!

Những phiên chợ hàng Việt Nam được Sở Công thương phối hợp với Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi tổ chức tại các vùng nông thôn trong năm 2010 và 2011 luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Hàng hoá đưa về thường bán vượt kế hoạch, nhất là nhóm hàng hoá mỹ phẩm (xà phòng, sữa tắm, kem đánh răng...). Việc đưa hàng Việt về nông thôn ban đầu là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", với mục tiêu cung cấp hàng Việt đến tận tay người dân ở vùng xa, vùng khó khăn, ít có điều kiện đến siêu thị tham quan, mua sắm. Thế nhưng qua hơn 10 lượt đưa hàng về nông thôn, Siêu thị đã nhận thấy nhu cầu tiêu dùng tại thị trường nông thôn tăng cao, đặc biệt là đối với hàng Việt Nam chất lượng cao.
 
“Chợ di động” lên vùng cao Sơn Ba (Sơn Hà) phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
“Chợ di động” lên vùng cao Sơn Ba (Sơn Hà) phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thuỷ - ở khối phố 3, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) cho biết: "Hàng Việt Nam do siêu thị đưa về phục vụ người dân có chất lượng đảm bảo, giá bán niêm yết công khai. Người dân không phải mất thời gian đến siêu thị, nhưng vẫn mua được hàng của siêu thị. Hàng hoá bây giờ tràn lan, nên khi mua cũng phải chọn thương hiệu". Từ kết quả của đợt "ra quân" đầu tiên tại thị trấn Châu Ổ, Siêu thị Co.op Mart đã quyết định tăng cường thêm 14 đợt bán hàng tại nông thôn, doanh số thu được không thua gì so với hàng hoá bán cùng ngày trong siêu thị. Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Sài Gòn - Quảng Ngãi cho biết: "Tổ chức phiên chợ "Tự hào hàng Việt" ở vùng nông thôn, nhằm phục vụ tiêu dùng của người dân quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là tìm hiểu sức mua thị trường nông thôn, xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài của siêu thị".

"Định vị" thị trường nông thôn

Ở miền núi nhiều năm nay đã xuất hiện phương thức phân phối hàng hoá theo kiểu "chợ di động". Trên chiếc xe máy gọn nhẹ nhưng đủ thứ hàng hoá, từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả, đến hàng khô, nước mắm, dầu ăn do tư thương đưa về vùng cao. Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của thị trường nông thôn, miền núi, nhiều người đã sắm xe tải để "mở rộng" quy mô "chợ di động" đưa hàng lên các huyện Tây Trà, Sơn Tây. Người dân nơi đây như đã quen với lộ trình hoạt động của các xe hàng. Họ xuống núi chờ sẵn khi xe đến mua hàng rồi trở về nhà, nên việc đi chợ không mất nhiều thời gian như trước đây. Trao đổi với một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm về vấn đề đưa hàng về tận nông thôn phục vụ, chúng tôi nhận được câu trả lời: Việc đưa hàng về nông thôn doanh nghiệp không thể làm nổi, vì tốn kém, mất nhiều thời gian. Vì vậy khi hàng hoá về đến nông thôn, người tiêu dùng phải mua với mức giá cao hơn từ 30% đến 50% so với giá doanh nghiệp cung ứng cho tư thương.

Mặc dù thị trường nông thôn luôn được doanh nghiệp cho là "màu mỡ", nhưng việc mở rộng kênh phân phối hàng hoá đến nông thôn thì doanh nghiệp đều khẳng định rằng: Đó chỉ là ý tưởng hay! Hiện tại việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn thông qua hình thức phiên chợ hàng Việt dù đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn chủ yếu là tập trung quảng bá sản phẩm. Để người dân nông thôn có cơ hội tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp thì cần thiết phải phát triển hệ thống phân phối, đại lý bán lẻ. Điều này lại liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn. Sự phối hợp giữa "hai nhà": Nhà nước và nhà doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo ra lượng "cung" hàng hoá dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông thôn, hình thành thói quen sử dụng thường xuyên hàng Việt Nam trong mỗi gia đình nông dân. Từ đó góp phần phát triển nền kinh tế, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường nội địa.
  
  Bài, ảnh: THANH NHỊ

.