Nhiều chính sách "tam nông" ở Mộ Đức chậm đi vào cuộc sống…

01:08, 27/08/2011
.

(QNg)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) 26 của BCH T.Ư Đảng khóa X về vấn đề "tam nông", huyện Mộ Đức đã đạt những kết quả rõ nét, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có một số chính sách chậm đi vào cuộc sống…

"3 nông" khởi sắc…

Sở hữu hơn 10.500 ha diện tích đất nông nghiệp, 20 km chiều dài bờ biển và 110 ha nuôi tôm trên cát, huyện Mộ Đức đã xác định: Tập trung đầu tư nông - ngư nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định mọi mặt của đời sống xã hội.
 
Nông dân tham quan cánh đồng lúa lai (đạt hơn 90 tạ/ha) tại xã Đức Thắng.
Nông dân tham quan cánh đồng lúa lai (đạt hơn 90 tạ/ha) tại xã Đức Thắng.

Do đó 3 năm sau khi NQ 26 về vấn đề "tam nông" ra đời, nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) Mộ Đức đã có nhiều khởi sắc, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt: 100% xã được sử dụng điện lưới; năng lực tưới tiêu của hệ thống kênh mương thủy lợi được củng cố và mở rộng; cứng hóa, nhựa hóa 167 km giao thông nông thôn; y tế, giáo dục từng bước được tăng cường (10 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn dưới 20%)... Trên lĩnh vực nông nghiệp, không khó để nhận ra sự "thay da đổi thịt" từ các cánh đồng lúa lai cho năng suất hơn 90 tạ/ha, hàng nghìn ha lúa chất lượng cao đạt trên 70 tạ/ha.

Hoặc từ những cánh đồng mía "dồn điền đổi thửa" cho chữ đường vượt 10 CCS; những "vựa rau" xanh mướt ven sông, những ruộng tôm trải dài dọc bờ biển… Nhờ đó mà hàng nghìn nông dân, không chỉ thoát nghèo, mà nhiều hộ còn gia nhập "CLB triệu phú chân đất, tỷ phú chân cát"… Điều này đã góp phần rất lớn trong việc đổi thay bộ mặt nông thôn, nhất là khu vực các xã ven biển Mộ Đức: Đói nghèo đã được đẩy lùi, nhà tranh vách đất dần "xóa sổ", những con đường đất đỏ lầy lội chật hẹp đang dần chìm vào ký ức; nhiều khu sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa thôn ra đời góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

Ông Ngô Tỵ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mộ Đức khẳng định: Từ khi NQ "tam nông" ra đời đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi thói quen canh tác, cải cách phương thức sản xuất của nông dân, giúp họ năng động hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mạnh dạn đưa vào sản xuất các loại giống mới, năng suất cao… nên thu nhập của nông dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo nông thôn của huyện như hiện nay.

Nhiều chính sách  chậm đi vào cuộc sống…

Mục tiêu của NQ 26 là tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN, NT), từ đó sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân. Tuy nhiên qua 3 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách vẫn chưa hoặc chậm đi vào cuộc sống. Trong đó phải kể đến mạng lưới hạ tầng nông thôn và hệ thống thủy lợi. Tuy đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhưng hiện hạ tầng nông thôn như (điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc…) vẫn còn thấp kém; hệ thống kênh mương thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Do đó 3 năm trở lại đây, bên cạnh sự khắc nghiệt của thiên tai, dịch bệnh, thì chính sự yếu kém, thậm chí bất lực trong việc cấp thoát nước của hệ thống thủy lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sụt giảm năng suất, sản lượng lương thực của địa phương và tác động xấu đến cuộc sống của nông dân. "Ngoài áp lực gia tăng chi phí sản xuất (giống, phân bón, công chăm sóc…), nó còn tạo cho nông dân tâm lý e ngại, thậm chí nghi ngờ hiệu quả từ các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước" - ông Vũ Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Một vấn đề trong việc thực thi NQ "tam nông" là: Tăng cường sự có mặt của các doanh nghiệp trên lĩnh vực NN, NT nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp (giống, phân bón) và đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực này quả là vấn đề nan giải, mặc dù huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong việc giải quyết mặt bằng, thủ tục hành chính... Song chẳng có doanh nghiệp nào mặn mà.

Nguyên nhân các doanh nghiệp đưa ra là: Lĩnh vực NN, NT chứa đầy rủi ro, phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết, trong khi vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài… Vì vậy vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực sự gắn bó lâu dài với nông nghiệp, duy chỉ có HTX nấm Đức Nhuận và khu nuôi cá Gò Mèn (xã Đức Lân), được doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí, xem như là… ủng hộ!

Có thể nói để Nghị quyết "tam nông" thực sự đi vào đời sống, tạo tiền đề cho NN, NT phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thì bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước và nhà nông, nông dân Mộ Đức cũng đang rất cần sự "bắt tay" hợp tác của nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, trong việc hỗ trợ kiến thức, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, theo hướng "sản xuất những gì thị trường cần, không sản xuất những gì thị trường có". Có như vậy, mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, giúp họ yên tâm sản xuất và gắn bó lâu dài, bền vững với lĩnh vực NN, NT.

                       MỸ HOA

.