Nghề hấp cá ở Phổ Quang

09:08, 10/08/2011
.

(QNg)- Phổ Quang là một xã ven biển của huyện Đức Phổ, phần lớn người dân làm nghề biển. Nhờ vậy địa phương đã xuất hiện nhiều nghề chế biến kinh doanh hải sản như mực khô, cá hấp. Những năm qua, nghề hấp cá đã giúp nhiều gia đình thật sự "đổi đời".

KHỞI SẮC

Trong một lần trò chuyện với ông Phan Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Quang, tôi nghe ông khẳng định: "Ở Phổ Quang nghề hấp cá là nhất đó". Bởi lẽ, trước đây nghề hấp cá ít phát triển, chỉ có một vài hộ đủ vốn làm lò hấp (vì chi phí bỏ ra nhiều và đầu ra sản phẩm cũng chưa mạnh). Nhưng khoảng 5- 6 năm nay, khi thị trường cá hấp tiêu thụ tốt, thì các lò hấp cá bắt đầu "sống" được.
 
Dù chưa nở rộ theo kiểu "nhà nhà hấp cá, người người hấp cá" nhưng với khoảng chục hộ làm nghề thì đã thấy được sự đổi thay rõ rệt. Ông Hùng nhẩm tính, chỉ riêng thôn Hải Tân có trên 5 hộ hành nghề hấp cá, thu nhập bình quân mỗi lò từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần trăm lao động trong xã.
 
Nhờ các lò hấp cá mà cuộc sống của người dân xã Phổ Quang đã nâng cao.
Nhờ các lò hấp cá mà cuộc sống của người dân xã Phổ Quang đã nâng cao.

Bà Đặng Thị Ba- một người có thâm niên với nghề hấp cá ở thôn Hải Tân cho biết: Không phải lúc nào nghề hấp cá cũng thuận lợi. Nhưng dù "suy" hay "thịnh" thì nghề này cũng giúp người dân "sống" được. Hằng năm, thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 8 (âm lịch) là thời điểm "vàng" của nghề hấp cá ở Phổ Quang. Nếu được mùa biển, cửa biển Mỹ Á trở nên sôi động. Hàng trăm chiếc thuyền chở cá về neo đậu vào bến.
 
Cá cơm là loại được hấp nhiều nhất. Các chủ lò mua và tập trung cá về lò hấp, chuẩn bị cho khâu chế biến. Anh Nguyễn Minh- Chủ lò hấp cá vui chuyện: "Cá tươi được ướp muối, gia vị rồi đưa vào lò hấp. Nhìn đơn giản thế thôi, chứ nghề này khá lắm. Những khi được mùa cá, tôi hấp đến 5 tấn cá/ngày, trừ chi phí còn lãi được 5- 7 triệu đồng".

Trong mỗi lò hấp thường có khoảng 20 công nhân được trả lương tương đối. Mỗi ngày một người kiếm được khoảng 100 nghìn đồng. Nghề hấp cá đã làm thay đổi cuộc sống của ngư dân Phổ Quang. Lợi nhuận cao không chỉ các chủ lò được hưởng, mà phần nhiều lao động địa phương đều có thu nhập ổn định từ nghề hấp cá. Ngoài các lò hấp lớn như lò ông Nguyễn Minh, Dương Tiến Dũng, Trần Văn Thanh... ngư dân xã Phổ Quang ngày càng nhận thấy tiềm lực kinh tế từ ngành dịch vụ chế biến hải sản này, nên họ mở rộng nghề hấp cá cả quy mô lẫn số lượng.

TRĂN TRỞ VỚI NGHỀ...

Với sự phát triển các ngành nghề dịch vụ ở Phổ Quang như hôm nay, người dân vững niềm tin sẽ phát triển thành làng dịch vụ chế biến hải sản, đặc biệt là phát triển mở rộng các lò hấp cá. Tuy nhiên vấn đề mà người làm nghề hấp cá ở Phổ Quang đang trăn trở là, làm sao ổn định đầu ra cho sản phẩm và có nguồn vốn lưu động để sản xuất. Thông thường sản phẩm cá hấp sau khi chế biến xong, được các tiểu thương ở trong tỉnh thu mua. Nhưng giá bán thường không ổn định, có khi ngư dân bị ép giá. Nghịch lý "mất mùa được giá, được mùa mất giá" cũng không "buông tha" nghề hấp cá này. Do đó ổn định đầu ra là ước mong của các chủ lò hấp. Nhưng việc tìm được "kênh" tiêu thụ có uy tín là điều không dễ dàng gì và cần có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Ngoài ra không thể không nhắc đến vấn đề muôn thuở của ngư dân: Đó là vốn. Các chủ lò hấp thường gặp khó khăn về nguồn vốn để thu mua nguyên liệu, trả công cho người lao động. Mỗi "mùa" sản xuất họ phải "ứng" ra cả trăm triệu đồng, sản phẩm bán được mới thu hồi được vốn, nên thường dẫn đến tình trạng "hụt" vốn. Theo ông Dương Tiến Dũng- Chủ lò hấp cá thì, mong muốn của ngư dân ở đây là sớm được vay vốn để phát triển kinh tế, nhưng phần lớn các hộ  đều khó vay được vốn.

Ông Phan Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Quang tâm tư: "Nông dân vay vốn kích cầu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Biết được điều này thời gian qua chúng tôi đã triển khai phổ biến về cách làm thủ tục vay vốn cho bà con ngư dân, tạo niềm tin với ngân hàng để bà con dễ tiếp cận với nguồn vốn vay".

Cũng không thể phủ nhận, cùng với sự khó khăn của ngư dân như giá dầu tăng cao thì nguyên liệu đầu vào của các lò hấp cá cũng gặp nhiều hạn chế. Tàu thuyền nằm bờ nhiều, thì lượng cá cung cấp cho lò hấp không còn dồi dào. Do đó việc lò hấp cá phải "tắt lửa" cũng kéo dài ngày hơn. Mặc dù còn một số khó khăn nhưng hy vọng, với sự nỗ lực của ngư dân, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền xã Phổ Quang, nghề hấp cá ở đây sẽ ngày càng khởi sắc hơn.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.