"Đổi đời" từ nuôi chồn hương

08:08, 20/08/2011
.

(QNg)- Huyện Nghĩa Hành hiện có hơn 50 mô hình kinh tế tổng hợp  làm ăn  hiệu quả. Hầu hết các  mô hình này phát triển theo hướng trồng rừng và kết hợp chăn nuôi. Có hộ gia đình tìm được hướng phát triển mới rất hiệu quả là nuôi chồn hương. Đó là hộ anh Hồ Duy Trung (37 tuổi) ở thôn Phú Lâm Tây xã Hành Thiện (Nghĩa Hành).

Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến nhà anh Hồ Duy Trung. Ngôi nhà cấp 4 nằm ở khu dân cư trung tâm của thôn, đặc biệt là phía sau ngôi nhà có khoảng 40 con chồn hương trị giá gần 300 triệu đồng. Anh Trung tâm sự: "Tháng 2/2007 trên đường đi làm rẫy về, tôi gặp một người dân tộc Hrê ở thôn Kỳ Hát, xã Long Mai (Minh Long) bắt được 2 con chồn hương con. Tôi  mua về nuôi vì thấy nó tội nghiệp, lúc đầu cho nó uống sữa, rồi dần dần cho ăn trái cây. Thời gian trôi đi, 2 con chồn ngày một lớn và đẻ được 4 con chồn con…".
 
Sau 4 năm bỏ công sức nuôi, đến nay số lượng chồn hương anh Trung sở hữu khoảng 40 con (20 con cái, 10 con đực và 10 chồn hương con). Thời gian gần đây có rất nhiều đoàn tham quan trong và ngoài huyện đến  học hỏi kinh nghiệm và hỏi mua với giá 15 triệu đồng/1 cặp chồn hương, nhưng anh chưa bán.
 
Chồn hương được nuôi tại nhà anh Trung.
Chồn hương được nuôi tại nhà anh Trung.

Anh Trung cho biết, chồn hương là loại động vật có vú, sống hoang dã, ăn tạp, tìm thức ăn vào ban đêm, nhưng dễ nuôi, ít bị bệnh, ít tốn công chăm sóc. Mỗi ngày chồn hương ăn một lần vào buổi tối; sáng dậy dùng nước để rửa chuồng trại. Bình thường thì chồn hương ăn thịt và quả tươi. Riêng chồn của anh Trung nuôi thì anh cho ăn cháo trắng, chuối trái, lâu lâu cho ăn dặm cá và thịt tươi, để chồn sung sức sinh sản.
 
Để chồn hương sinh sản thì chuồng được xây thành từng dãy, chia ra nhiều ô nhỏ, mỗi ô khoảng 1m2, cao 1,5m, mặt trước kéo lưới B40, nền láng xi măng và nhốt chồn đực ở ô giữa và 2 con  chồn cái nhốt hai  bên. Khi chồn cái có mang nên tách ra nuôi riêng, cho đến khi sinh sản, chồn hương được 2 tháng tuổi thì tách đàn, để chồn cái tiếp tục sinh sản. Chồn hương đẻ một năm 2 lần vào mùa nắng ấm. Nuôi chồn hương rất dễ vì chúng ít bị dịch bệnh, do ăn tạp nên thường bị bệnh đường ruột, chỉ cần dùng thuốc thú y trộn với thức ăn cho ăn là khỏi bệnh ngay.

Năm 2010 có một doanh nghiệp chế biến cà phê tìm đến nhà anh Trung, để  tham quan và đặt vấn đề: Nếu muốn thu lợi nhuận cao từ chồn hương thì phải làm thế nào cho chúng ăn trái cà phê, sản phẩm chúng thải ra là phân chồn dùng để chế biến cà phê chồn - loại cà phê nổi tiếng nhất hiện nay. Giá mỗi kg chưa  chế biến khoảng 1 triệu đồng. DN này sẽ gửi cà phê để anh cho chồn ăn thử.

Toàn bộ phân chồn thu được đem phơi khô và mua lại với giá cao. Qua bàn bạc, anh đã nhận lời và tập cho 6 con chồn hương ăn trái cà phê. Chồn lựa những  trái cà phê chín đỏ mới ăn. Bình thường chúng chỉ ăn khoảng 15 đến 20% lượng cà phê cho ăn và anh đã thu 28 kg cà phê phân chồn khô. Mỗi đêm chồn hương thải ra khoảng 0,5 kg khô/1 con.
 
Tháng 2/2011 anh được các doanh nghiệp chế biến cà phê mời tham gia lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột trong một tuần. Anh đem theo 6 con chồn hương và 28 kg phân cà phê chồn nguyên chất. Tại đây có rất nhiều doanh nghiệp hợp đồng với anh, để cung cấp cà phê và thu mua lại phân chồn. Ngoài ra khi chồn ăn cà phê thì không cho ăn các loại thức ăn khác, sẽ giảm được chi phí thức ăn". Tuy nhiên điều anh Trung lo nhất bây giờ là làm thế nào để được cấp giấy phép nuôi chồn hương!

Có thể nói mô hình nuôi chồn hương là một mô hình làm ăn mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhưng chồn hương là động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm săn bắt nên thủ tục xin cấp phép mô hình chăn nuôi chồn của anh Trung đang gặp nhiều khó khăn. Hy vọng các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện để anh Trung mở rộng trang trại và nhân rộng mô hình, làm giàu chính đáng.      
                           
Duy Hoàng

.