Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ở Tư Nghĩa

04:07, 21/07/2011
.

(QNg)- Trong những năm qua các cấp Hội phụ nữ huyện Tư Nghĩa bằng nhiều hình thức trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sống, học hỏi nhau làm kinh tế, quyên góp ủng hộ hội viên nghèo, nên có những cách làm sáng tạo, để giúp đỡ phụ nữ cùng vươn lên, có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả.

Ở Hội LHPN thị trấn La Hà, chị em không chỉ nhiệt tình với hoạt động Hội, có trách nhiệm với các phong trào của địa phương, hăng say phát triển kinh tế gia đình, mà các hội viên còn làm tốt công tác giúp nhau làm kinh tế dưới nhiều hình thức. Bên cạnh việc trao đổi kiến thức kinh nghiệm sống, học hỏi nhau làm kinh tế đạt hiệu quả, nhiều hội viên khá giả quyên góp xây dựng quỹ "vì phụ nữ nghèo", nhằm ủng hộ chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn để buôn bán, chăn nuôi.
 
Thông qua vay vốn phát triển sản xuất, chị em phụ nữ có điều kiện đầu tư phát triển làng nghề ở địa phương.
Thông qua vay vốn phát triển sản xuất, chị em phụ nữ có điều kiện đầu tư phát triển làng nghề ở địa phương.

Số tiền chị em quyên góp lên đến 18 triệu đồng/năm. Nhiều chi hội ủng hộ ngày công lao động và gần 1000kg lúa giống; duy trì  20 tổ hùn vốn có gần 300 chị tham gia, với số tiền gần 18 triệu đồng và xây dựng 9 tổ tiết kiệm; khai thác nguồn vốn  từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nhiều chị em luân phiên sử dụng vốn có hiệu quả, phát triển kinh tế.

Ở xã Nghĩa Sơn tính từ năm 2010 đến nay, hội viên trong xã đã quyên góp trên 2000 kg gạo; quyên góp tiền từ "ống tre tiết kiệm" đã giúp cho 20 chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Nhân dịp các ngày lễ như 8/3 này, chị em trong xã đã vận động "của ít lòng nhiều" để đóng góp vào "Quỹ tình thương" để ủng hộ hội viên gặp khó khăn trong xã.

Bà Phạm Thị Nhàn- Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Không những giúp nhau làm kinh tế, chị em còn làm tốt công tác tiết kiệm; việc tiết kiệm gạo để giúp đỡ hội viên khó khăn đã trở thành việc làm thường xuyên ở các chi hội phụ nữ xã. Các cấp Hội phụ nữ cơ sở đều có những sáng kiến chủ động gây quỹ tình thương thông qua các hình thức khác nhau để gây quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo và trẻ em tàn tật ở các địa phương.

Không chỉ tiết kiệm từ mô hình "Hũ gạo tình thương", ý thức tiết kiệm của chị em còn được vận dụng trong cuộc sống hàng ngày như: Tiết kiệm điện, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, mừng thọ,  trong chi tiêu mỗi khi đi chợ… Điển hình như Hội LHPN xã Nghĩa Thắng, hội viên tại các chi hội trong xã đã duy trì các tổ hùn vốn, giúp nhau trong sản xuất. Các chị em khá giúp đỡ chị em khó khăn mượn tiền không tính lãi, giúp ngày công giữa các hội viên. Ban chấp hành Hội phụ nữ xã còn vận động từ các hội viên làm 10 sổ tiết kiệm để cấp cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. … Hiệu quả phong trào đã tạo điều kiện gắn kết tinh thần tương thân tương ái giữa phụ nữ trong các địa phương thêm bền chặt.

Trong những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp huyện Tư Nghĩa đã đẩy mạnh hoạt đông hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, nhằm giúp chị em nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.  Ngoài cho hội viên nghèo vay vốn làm ăn, các cấp Hội đã vận động hàng trăm chị em có kinh tế khá giúp các chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mượn tiền, vàng, con giống, cây giống (không lấy lãi). Hiện nay Hội đã khai thác và quản lý tốt các nguồn vốn với tổng số dư nợ hơn 49 tỷ đồng; xét cho gần 7000 hộ vay phát triển kinh tế. Chính nhờ hiệu quả từ việc tổ chức và duy trì được các lớp học nghề sơ cấp thú y, chăn nuôi, trồng hoa-cây cảnh-chiết ghép, nữ công gia chánh mà. Chị em có điều kiện tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào quá trình sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra chị em còn được tham gia các lớp tập huấn do Phòng nông nghiệp huyện tổ chức như: Sản xuất lúa giống, sản xuất rau an toàn, kiến thức chăn nuôi, tổ chức sản xuất sạch ...

Từ đó áp dụng vào thực tiễn, nên hàng năm trên địa bàn huyện có không ít hộ thoát nghèo đã tạo được kinh tế ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc. Điển hình như gia đình chị Hồ Thị Hưng (ở thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương). Từ một gia đình nghèo, chị Hưng đã thông qua Hội LHPN xã tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, 15 triệu đồng, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt đạt hiệu quả. Từ vài trăm con vịt ban đầu, chị đã phát triển đàn vịt lên trên 1000 con, khi chăn nuôi hiệu quả, chị tiếp tục xây dựng lò ấp trứng để bán vịt giống ra thị trường. Kết quả chị Hưng đã vươn lên thoát nghèo, đến nay không những chị trả hết nợ, mà còn có số vốn dư để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, tạo thu nhập vài chục triệu đồng/năm.


Còn chị Trần Thị Anh (ở thôn La Hà 2, xã Nghĩa Hiệp) được chị em địa phương nhắc đến với mô hình chăn nuôi heo khá hiệu quả. Từ hộ nghèo, chị đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi và cũng nhờ nguồn vốn vay ban đầu của Hội phụ nữ, chị đầu tư chăn nuôi heo. Đến nay đàn heo của gia đình chị phát triển hơn 30 con. Còn chị Thượng Thị Thật (ở Tổ dân phố 1, ở thị trấn La Hà), cũng "nổi tiếng" không kém. Từ hộ phụ nữ nghèo ở địa phương, chị đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng cơ sở làm bánh đậu xanh. Đến nay cơ sở của chị không những đem lại thu nhập giúp chị thoát nghèo, mà còn giúp nhiều chị em làm công cho cơ sở, có công ăn việc làm… Đó là những gương sáng tiêu biểu, trong hàng trăm hội viên đã nỗ lực thoát nghèo.

Hiện nay trên địa bàn huyện Tư Nghĩa thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phong trào phụ nữ, chị em đã hình thành nhiều cách làm ăn khác nhau, phù hợp với đặc thù ở địa phương như, ở xã Nghĩa Hòa chị em vay vốn phục hồi làng nghề chiếu cói; các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Thọ phụ nữ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi và trồng cây lâu năm; các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú chị em buôn bán nghề cá; các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa trồng rau, Nghĩa Mỹ phát triển nghề trồng hoa… Đây chính là điều kiện, cộng với "cầu nối" từ Hội giúp phụ nữ địa phương thoát nghèo, vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

.