Người giữ lại cây chè trên đất Minh Long

09:07, 13/07/2011
.

(QNg)- Trước năm 2000 khi nói đến huyện miền núi Minh Long là nghĩ ngay đến cây chè. Vì hương vị chè Minh Long có đặc trưng riêng (vừa chát vừa đắng nhưng rất thơm) để lại vị ngọt ngay cuống họng sau khi uống. Vì thế mà nhiều người dân trong tỉnh rất thích uống chè xanh Minh Long. 

Từ năm 2000 đến năm 2001, khi cây keo, mì có giá người dân Minh Long đồng loạt phá đi cây chè để trồng keo, mì. Người quyết tâm giữ lại và tái tạo rẫy chè của nhà mình đó là ông Đinh Ré (ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp). Hiện ông Ré có 2 ha chè xanh tốt và hàng năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng.
 
Cây chè đang giúp một số hộ dân ở Minh Long có thu nhập, cải thiện cuộc sống.              Ảnh: T.L
Cây chè đang giúp một số hộ dân ở Minh Long có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: T.L

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Ré. Đã 8 giờ sáng, nhưng ông vẫn còn ngồi tại nhà nhâm nhi ly chè xanh, đưa tay chỉ tôi xem 1 dãy đồi núi dài cách nhà ông chừng 1 km, ông bảo: Trước đây khu đồi núi này toàn là chè, năm 2001 người dân đua nhau phá chè trồng keo. Thấy vậy nhiều lần ông đã khuyên bà con không nên phá cây chè. Có một số hộ nghe theo, còn lại đa số bà con phá chè.

Ông suy nghĩ cây chè là cây mà ông cha  để lại, hơn nữa nó cho thu nhập quanh năm (1 ha keo sau 5 năm mới cho thu hoạch, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng). Nhưng đó là thuận lợi, nếu gặp bão thì thu hoạch non có khi lỗ luôn. Còn 1ha chè 1 năm cho thu hoạch 15 triệu đồng. Nguồn thu từ cây chè không được một lượt nhiều như cây keo, nhưng ngày nào cũng có tiền chợ, trang trải cho gia đình và ít rủi ro.

Điều đặc biệt là làm được một công đôi việc, vừa thả trâu lên rẫy rồi bẻ chè luôn. Chỉ cần bẻ 2 giờ đồng hồ là có ngay 40 lọn chè và cõng ra khỏi rẫy là có ngay 100 ngàn đồng. Từ suy nghĩ đó nên ông Đinh Ré quyết tâm giữ lại rẫy chè và trồng dặm thêm, nên hiện nay nhà ông vẫn còn nguyên 2 ha chè xanh tốt, ngày nào cũng có chè bán.

Ông Ré cho biết thêm, nhà ông vẫn trồng keo, nhưng trồng trên vùng đất không có cây chè. Khi cây keo chưa cho thu hoạch, thì hàng ngày mình vẫn có tiền để trang trải cuộc sống (tiền bán chè hàng ngày), chứ không như bà con phá chè hết nên ngày nông nhàn phải đi làm thuê ở xa (ngày chỉ được 70 - 80 ngàn đồng). Điều thuận lợi của cây chè là bẻ chè xanh bao nhiêu là tư thương đến nhà mua ngay, khỏi cần phải vận chuyển hay thuê người làm. Nhiều khi chè khan tư thương phải chờ đón bà con ngay ở đầu rừng, tranh giành mua.

Thực tế những năm trước tại chợ Minh Long rất nhiều người bán chè xanh, nhưng thời điểm này đến chợ muốn mua chè xanh cũng không dễ. Vì đa số tư thương đón đường để mua chè của bà con, để vận chuyển về xuôi bán. Hiện toàn thôn Hà Liệt ngoài gia đình con cái của ông Ré thì chỉ còn rất ít gia đình còn chè, người có cũng chỉ chừng vài ba sào. Không những ở thôn Hà Liệt (xã Long Hiệp) mà các xã khác trong huyện cũng không mấy người giữ được rẫy chè.

Việc giữ lại rẫy chè để có thu nhập quanh năm của gia đình ông Đinh Ré nhằm cải thiện đời sống hàng ngày, nhất là giải quyết được công việc ngày nông nhàn. Mặt khác trồng chè  sẽ góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn và giữ được nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời giải quyết được thu nhập thường xuyên cho nhân dân.

Ngọc Trai

.