Đức Lợi với nghề bắt tôm hùm nhí

03:07, 16/07/2011
.

(QNg)- Qua khỏi cầu sông Vệ phía bờ nam rồi rẽ xuống phía đông đến cuối đường sẽ gặp xã Đức Lợi nằm sát biển. Phía tây xã là làng Yên Mô dáng vẻ yên bình, nên thơ, thiên về nông nghiệp, còn phía đông xã gồm các làng Kỳ Tân, An Chuẩn hướng ra biển đón mặt trời rạng rỡ mỗi buổi bình minh lên, dân cư sống bằng ngư nghiệp và các dịch vụ từ biển.

Đức Lợi là một vùng quê có ruộng đồng, biển cả, tổ chức làng xã phát triển sớm với nhiều nét văn hoá dân gian đẹp. Đặc biệt vùng biển gần bờ có tôm hùm giống, nguồn lợi khá lớn cho dân sinh từ thiên nhiên ban tặng, tạo cho nơi đây thêm một nét riêng của nghề biển.
 
 Biển Đức Lợi- Nơi ngư dân địa phương khai thác tôm hùm nhí.
Biển Đức Lợi- Nơi ngư dân địa phương khai thác tôm hùm nhí.

Biển Đức Lợi ở mạn nam cửa Lở nơi cuối dòng sông Vệ, dưới đáy có bãi đá ngầm khá rộng. Mùa lũ rác theo dòng nước từ sông đổ ra cửa, thuỷ lưu lại gom nhặt chúng rồi đưa vào vịnh tạo thành những dải dài cả trăm mét nổi bập bềnh trên mặt biển, người địa phương gọi là lán nước. Những lán nước này xuất hiện và tồn tại trên mặt biển suốt mùa biển lặng.
 
Do cửa Lở chỉ mở rộng tự nhiên trong mùa mưa để xả nước trên nguồn đổ về, còn mùa nắng lạch nhỏ lại, nên biển Đức Lợi không có nhiều tàu thuyền ra vào, ít bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp. Chính nhờ những đặc điểm trên mà vùng biển này trở thành môi trường thuận lợi cho loài tôm hùm sinh sản. Khoảng từ tháng mười một âm lịch khi lũ lụt đã đi qua đến tháng tám năm sau, tôm hùm ngoài khơi vào đây đẻ trứng, sau đó vô số tôm hùm nhí được nở ra.

Suốt chiều dài đến khoảng vài cây số dọc theo bờ, rất nhiều chiếc cọc trên đầu có buộc một mảnh vải màu xanh, đỏ làm cho mặt biển như dàn trận cờ thuỷ chiến. Đó là những cọc tiêu, cọc mốc neo giữ dụng cụ bẫy tôm hùm nhí. Dụng cụ bắt tôm hùm nhí gọi là đùm, mỗi đùm chỉ một mảnh lưới màu xanh gấp lại hai, ba lần thành búi dài độ một mét. Đùm nầy cách đùm kia chừng hai mét và được cột vào một sợi dây dài, mỗi dây kết khoảng năm chục đùm. Giá thành mỗi một sợi đã gắn đùm theo thời giá hiện tại khoảng ba triệu đồng.

Vào mùa bắt tôm hùm nhí người dân dong thuyền thả dây đã gắn đùm xuống vùng biển gần bờ và cắm các cọc để giữ sợi dây ấy. Người nhiều vốn chuẩn bị được nhiều dụng cụ thì khả năng thu lợi sẽ lớn hơn. Những con tôm hùm nhí bằng cọng tăm rong chơi trong nước biển rồi cũng chui vào đùm ẩn nấp, ăn những sinh vật phù du để lớn.

Còn ngư dân thì mỗi ngày có thể dỡ đùm một hoặc hai lần để bắt chúng. Việc bắt khá đơn giản, chỉ cần tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ, tôm con sẽ rơi ra, và người ta bắt nó nuôi trong bể nước biển có sục khí để bán làm tôm giống.
 
Trong số tôm con ấy, những chú tôm đực, ngư dân gọi là "tề thiên" có lẽ do tính đực nên chúng sớm phát triển màu sắc, râu càng dài và nhảy nhót mạnh hơn những con khác. Số tôm được tách riêng, bán với giá rẻ. Số còn lại là tôm cái được nuôi cẩn thận để bán làm nguồn giống với giá cao, mỗi con đến cả trăm ngàn đồng.
 
Gặp lúc được mùa, tôm nhí nở nhiều, chỉ qua một đêm số tôm con thu được đem bán ra thị trường, chủ phương tiện thu lại gần đủ vốn dụng cụ. Các vùng lân cận như biển Đức Chánh, Đức Minh (Mộ Đức) hay Nghĩa An (Tư Nghĩa) không có lợi thế địa hình và ngư dân cũng ít người làm nghề này.

Chắc rằng dọc bờ biển Việt Nam sẽ còn những vùng biển tương tự như Đức Lợi, nơi sản sinh tôm hùm nhí. Có thể nói rằng, đây là nghề đem lại nguồn thu nhập cao mà muốn tồn tại phải gắn liền với ý thức biết quí trọng và tích cực bảo vệ môi trường biển.

Bùi Văn Tạo

.