Tàu cá sẽ được lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh

09:06, 17/06/2011
.

(QNg)- Bộ NN và PTNT đã có Quyết định số 453 về việc ban hành "Tiêu chí lựa chọn tàu cá lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - movimar". Đây là dự án được triển khai từ nguồn vốn vay ODA của Pháp với tổng kinh phí 14,5 triệu euro. Quảng Ngãi đang tích cực triển khai dự án để "dõi theo những con tàu" bám biển khơi xa, nhằm giúp ngư dân kịp thời nắm bắt thời tiết và ngư trường đánh bắt... 
 

Tính ưu việt của hệ thống kết nối vệ tinh

Thời gian qua đầu tư máy ICOM giúp ngư dân liên lạc với đất liền, với người thân và hạn chế những rủi ro trên biển trong hành trình vươn khơi xa. Thế nhưng do nguyên lý hoạt động của các máy ICOM là liên lạc bằng sóng ngắn HF, truyền sóng qua tầng điện ly nên dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Hơn nữa lâu nay ngư dân sử dụng các loại máy thông tin liên lạc đều không đăng ký để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
 
s
Tàu cá sẽ lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh. Ảnh QNĐT

Do vậy khi có áp thấp, bão xảy ra thì các cơ quan chức năng ở đất liền gặp khó khăn khi liên lạc với các tàu cá trên biển. Các thuyền trưởng trên biển muốn liên lạc về gia đình phải thông qua các đài thông tin duyên hải hoặc các đài trực canh cộng đồng. Sự bất lợi này đã dẫn đến nhiều con tàu không kịp ứng cứu đã đắm chìm dưới biển sâu, nhiều ngư dân mất tích hoặc tàu cá bị đâm chìm, hay đang đánh cá trong vùng biển Việt Nam lại bị nước ngoài khống chế bắt hoặc tịch thu tài sản.

Theo Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Phan Huy Hoàng, từ năm 2005 đến năm 2010 Quảng Ngãi đã có 109 ngư dân bị chết; 36 trường hợp bị thương; 395 tàu cá bị chìm; 126 tàu  hư hỏng; 115 tàu và 1.302 ngư  dân bị nước ngoài bắt giữ (trong thực tế còn cao hơn, bởi còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện, nhiều xã huyện chưa thống kê hết).

Ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết: Kết nối thiết bị vệ tinh là một phương thức liên lạc tiên tiến hiện nay trên thế giới, đáp ứng được các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Nguyên lý hoạt động của hệ thống này là truyền dữ liệu qua vệ tinh, nên không bị ảnh hưởng nhiều, khi thời tiết xấu. Hệ thống gồm một trung tâm điều hành ở đất liền, và trên mỗi tàu cá được gắn một thiết bị định vị vệ tinh, có mã nhận dạng riêng. Khi tàu cá hoạt động ở bất cứ khu vực nào trên biển, cơ quan quản lý có thể biết chính xác vị trí, hướng di chuyển và tốc độ của tàu thông qua ảnh chụp từ vệ tinh.

Hệ thống định vị vệ tinh còn thiết lập cơ sở dữ liệu xử lý ảnh viễn thám về hải dương học, xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy hải sản hay vùng biển thời tiết xấu, nơi có bão, để khuyến cáo tàu thuyền trở về bờ hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm. Hệ thống cho phép phát hiện các sự cố tràn dầu giúp bảo vệ môi trường, phát hiện các tàu "lạ", góp phần bảo vệ vùng lãnh hải của tổ Quốc. Hệ thống còn xử lý kịp thời các tin báo động cấp cứu của các tàu trên biển, giúp cho việc cứu nạn, cứu hộ được kịp thời, nhanh chóng, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản

Khi áp dụng công nghệ giám sát tàu cá bằng thiết bị định vị vệ tinh, thì cơ quan quản lý ở đất liền có thể giám sát liên tục, tất cả các tàu của mình, quản lý 24/24 giờ và trên phạm vi toàn cầu. Hệ thống sẽ ghi lại hình ảnh và dấu vết của tàu nhiều ngày trước đó, nên đây là chứng cứ để bảo vệ ngư dân khi bị nước ngoài bắt giữ trái phép. Và khi tàu cá hoặc ngư dân bị tai nạn trên biển thì thuyền trưởng có thể thông báo chính xác ngay vị trí và tình trạng nguy hiểm của tàu mình, để các cơ quan chức năng có thể ứng cứu kịp thời.

Gấp rút triển khai dự án

Theo dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar, Quảng Ngãi được hỗ trợ 280 hệ thống thiết bị vệ tinh lắp đặt cho tàu cá. Dựa theo tiêu chí, những tàu có công suất 90 CV trở lên hoạt động trên các vùng biển xa, vùng đánh cá chung với nước ngoài với các nghề như câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác..

Do số lượng có hạn nên sẽ trang bị cho những con tàu  được tổ chức thành tổ đội, mỗi tổ đội sẽ có một tàu được trang bị thiết bị kết nối vệ tinh. Mỗi thiết bị gắn trên tàu cá có giá thành từ 1.500 đến 2.000USD và mỗi tháng chi phí cho thiết bị hoạt động một tàu trên 1 triệu đồng/tháng. Việc lắp đặt hoàn toàn miễn phí và Nhà nước sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến hoạt động của thiết bị  trong 3 năm đầu của dự án.

Trong tổng số 280 tàu cá được hỗ trợ thì ưu tiên cho những tàu thường xuyên khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, DK1, vùng biển vịnh Bắc Bộ và các vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực, như: các tàu câu mực của xã Bình Chánh, các tàu làm nghề lặn của xã Bình Châu (Bình Sơn), các tàu làm nghề lặn của xã An Vĩnh, An Hải (Lý Sơn), các tàu lưới rê của xã Phổ An, Phổ Quang hay tàu hành nghề lưới kéo của xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ). Hiện nay Quảng Ngãi đang tích cực rà sóat và thành lập các tổ, đội để sớm triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi.

Được biết, Quảng Ngãi hiện có 1.744 tàu cá có công suất 90CV trở lên hoạt động khơi xa. Để quản lý những tàu còn lại, Chi cục KT&BVNLTS Quảng Ngãi đã trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin và giám sát vị trí tàu cá trên biển của tỉnh. Khi được UBND tỉnh phê duyệt, cộng với việc triển khai Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS cho những tàu hoạt động ở vùng biển xa, thì sẽ có khoảng 80% số tàu cá hoạt động xa bờ của tỉnh được quản lý và giám sát chặt chẽ bằng thiết bị định vị vệ tinh.

 MAI HẠ

.