Giải pháp nào thu hồi nợ thuế nhà nước hiệu quả?

01:03, 28/03/2011
.

(QNg)- Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; hạn chế tỉ lệ nợ thuế là một nhiệm vụ trọng tâm để đánh giá chất lượng quản lý của cơ quan thuế các cấp, cũng như phản ảnh mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Thời gian qua, Cục thuế Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ những biện pháp quản lý thuế, để rút ngắn số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi: Đến hết tháng 02/2011, số thuế nợ đọng đã vượt trên con số 154,7 tỷ đồng. Đây là số thuế nợ đọng lớn nhất từ trước đến nay, vượt con số thu năm 2000 mà ngành thuế đã phấn đấu. Trong đó khối Doanh nghiệp nhà nước TW nợ 15 tỷ; Doanh nghiệp nhà nước địa phương nợ 4,3 tỷ; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nợ 30,4 tỷ; doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ 78 tỷ đồng, các khoản  nợ về đất là 11 tỷ đồng, hộ kinh doanh nợ 13 tỷ. Từ con số nợ đọng thuế nói trên, cơ quan thuế đã phân tích và phân nợ theo nhóm: Khó thu, chờ xử lý, chờ điều chỉnh và nợ có khả năng thu; theo đó số nợ có khả năng chiếm 77% tổng số nợ thuế.

 Với biện pháp gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng với bộ phận quản lý nợ trong công tác thu hồi nợ thuế  như, việc xác nhận nợ thuế qua công tác hoàn thuế đã phần nào hạn chế phát sinh nợ đọng. Bên cạnh đó cơ quan thuế thường xuyên kiểm tra các tài khoản mở tại ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế, gắn với tình hình công nợ với khách hàng và bên thứ ba (nếu có).

Ông Trịnh Tuấn - Trưởng phòng quản lý nợ và cưỡng chế của Cục thuế cho biết: Cơ quan thuế đã mời những doanh nghiệp nợ thuế dưới 90 ngày đến làm việc, giải trình nguyên nhân nợ đọng và làm bản cam kết nộp số thuế còn nợ vào NSNN.

Thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện như cam kết; số nợ thuế ngày càng có xu hướng gia tăng; đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Điều đáng ngạc nhiên hơn là trong công tác quản lý thuế đã xuất hiện nhiều trường hợp nợ thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng lớn là một số doanh nghiệp như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuỷ điện, với số tiền hơn 715 triệu đồng; số còn lại của hộ kinh doanh.

Từ kết quả nợ đọng thuế của các thành phần kinh tế nói trên, đề nghị ngành Thuế phải tập trung nhiều biện pháp mạnh hơn nữa như: Chủ động phối hợp với các cơ quan Công an trong việc chống nợ đọng quá hạn 90 ngày; kiên quyết thu hồi nợ đọng cũ hoặc hoàn chỉnh thủ tục, để tiến hành cưỡng chế điểm một số trường hợp lớn; tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp, sở, ngành, các chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu hoặc giao thầu, thì trong hồ sơ mời thầu cần yêu cầu doanh nghiệp tham gia dự thầu có xác nhận của cơ quan thuế về thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, để xem xét khi tổ chức xét thầu. Đối với những dự án đang thực hiện, trên cơ sở thông báo của cơ quan Thuế danh sách đối tượng còn nợ thuế, trước khi thanh toán vốn cho nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thông báo cho cơ quan Thuế biết, để phối hợp thu nợ thuế…

Đối với các ngành và cơ quan liên quan có chức năng tham mưu trong việc cho phép khai thác tài nguyên, cần rà soát, có văn bản nhắc nhở các cơ sở khai thác tài nguyên thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với NSNN, không được để nợ đọng thuế. Các trường hợp xin gia hạn thời gian khai thác cần phải có xác nhận không nợ thuế của cơ quan thuế trước khi tiến hành các thủ tục theo chức năng, thẩm quyền của mình. 
                               Thanh Uyên

.