Thủy sản Quảng Ngãi: Trên đường phát triển

01:01, 09/01/2011
.

(QNg)- 5 năm qua (2006-2010), trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản ở tỉnh ta đều phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà và tạo thêm một diện mạo mới, góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng vạn cư dân vùng ven biển.  

Phát huy “địa lợi”
Quảng Ngãi có bờ biển dài 130 km, có 6 cửa biển: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh là điều kiện khá thuận lợi cho các tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản. Ngư trường đánh bắt khoảng 11.000km2. Tuy vậy, nhiều năm qua do điều kiện đánh bắt hải sản còn khó khăn, bà con ngư dân sử dụng phương tiện đánh bắt chủ yếu bằng thúng nan, thuyền nhỏ nên không mấy hiệu quả.
 
Đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa.
Đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa.

Trên cơ sở của Quyết định số 32/2007/QĐ-UBND ngày 22/10/2007, tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều ngư dân vay vốn để đóng mới tàu thuyền đáp ứng niềm mong mỏi của ngư dân. Từ đó, tàu công suất lớn cứ dần tăng lên. Đến nay, ngoài tàu công suất từ 50CV - 90CV, 100CV- 250CV  khá nhiều, ở tỉnh còn có tàu đánh cá công suất lên đến 400 -  450 CV. Những năm qua ngoài vùng ngư trường đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, một số ngư dân đã hợp đồng sang đánh bắt ở các vùng biển nước bạn Philippin, Malaysia. Nhiều ngư dân cho rằng đời đi biển chưa chạm đến những ngư trường trên là chưa "thoả ước mong".

 Trong giai đoạn 2006- 2010, ngư dân đã đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền lên đến 5.622 chiếc, với tổng công suất ước đạt 480.000CV/305.000CV (hơn 157%). Trong đó, đóng mới hơn 200  tàu cá, với công suất trên 90CV (so với chỉ tiêu là 100 tàu); nâng cấp trên 500/300 tàu cá có công suất trên 90CV (vượt 200 tàu so với chỉ tiêu)...

Bên cạnh đó, bà con ngư dân còn đầu tư tiền của để trang bị máy Icom, máy định vị hiện đại, đảm bảo đánh bắt xa bờ góp phần đưa vào việc khai thác đạt sản lượng thủy sản hằng năm từ 88.000 tấn - 89.500 tấn.

Đi đôi với việc khai thác đánh bắt ở biển khơi, dọc dài ven biển, tỉnh đã quy hoạch để thực hiện các dự án nuôi tôm. Từ năm 2006-2009, đã có 5 dự án nuôi tôm ven biển đạt hiệu quả. Phía Bắc thì có dự án nuôi tôm Đồng Đá Bia thuộc xã Bình Chánh (Bình Sơn), với diện tích quy hoạch gần 30 ha. Phía Nam có các dự án nuôi tôm Gò Giữa xã Phổ Minh (Đức Phổ) được quy hoạch với diện tích hơn 30 ha; dự án nuôi tôm trên cát Đức Minh với diện tích gần 100ha; Đức Chánh hơn 47 ha; Đức Thắng (Mộ Đức) hơn 20 ha. Tuy mỗi dự án hiện chỉ thực hiện được 1/3-1/2 diện tích quy hoạch nhưng nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên đã cho hiệu quả rõ rệt. Mỗi ha đạt bình quân từ 8 -16 tấn/ha/vụ. Cá biệt như dự án nuôi tôm trên cát thuộc xã Đức Chánh (Mộ Đức) đạt 17 tấn/ha/vụ.

Trong 5 năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tổng diện tích nuôi trồng ước đến năm 2010 gần 2.100 ha (đạt 102%), sản lượng hơn 7.600 tấn hải sản, vượt 21% so với kế hoạch.

Khi khai thác và nuôi trồng phát triển thì cũng kéo theo các cơ sở mua bán thủy hải sản hoạt động, giải quyết hàng ngàn công lao động trên bờ ở các địa phương và các nhà máy chế biến thủy sản mang tính quy mô công nghiệp. 

Tạo điều kiện để phát triển nghề
Tính từ năm 2006 - 2010,  ngoài việc hỗ trợ đóng mới tàu thuyền, tỉnh tiến hành quy hoạch xây dựng 5 cơ sở hạ tầng cảng, thông luồng và vũng neo đậu tàu thuyền. Trong đó có 3 cơ sở bước đầu đã phát huy tác dụng, như: Vũng neo đậu tàu thuyền và khu du lịch hậu cần nghề cá Lý Sơn (giai đoạn 1), với tổng mức đầu tư từ vốn ngân sách trung ương hơn 43,4 tỷ đồng, xây dựng hoàn thành vào 31/3/2008. Trong hai mùa mưa bão qua đã có 300/500 tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Dự án cảng neo đậu Tịnh Hòa được đầu tư hơn 39 tỷ đồng, đã phát huy tác dụng; cảng neo trú tàu thuyền và dự án thông cửa biển Mỹ Á đã đầu tư hơn 90 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng trong năm nay.

Bên cạnh đầu tư trực tiếp về tiền của để xây dựng cở sở hạ tầng, tỉnh đã hỗ trợ kỹ thuật cho ngư dân làm ăn. Thông qua chương trình khuyến ngư, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh đã phát hành trên 10.000 tờ rơi kỹ thuật; tổ chức 190 lớp tập huấn với 8.800 lượt người tham dự và triển khai thực hiện 80 mô hình khuyến ngư tỉnh, đào tạo trên 2.500 thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên.

Tỉnh còn kịp thời động viên tinh thần, chia sẻ với bà con ngư dân mỗi khi gặp hoạn nạn trên biển, can thiệp khi ngư dân bị tàu nước ngoài bắt tịch thu phương tiện. Qua đó, ngư dân an tâm khai thác hải sản.

Theo thống kê, trong 5 năm qua Quảng Ngãi đã đầu tư tổng thể khoảng hơn 584,5 tỷ đồng/686,7 tỷ đồng để phát triển kinh tế thủy sản. Nhờ đó cơ sở hạ tầng nghề cá ngày một cải thiện tạo điều kiện cho bà con ngư dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. 

Giai đoạn 2010-2015 bên cạnh những mục tiêu về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, về đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, ngành thủy sản chú trọng khắc phục những hạn chế. Đó là mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ; đảm bảo con giống sản xuất trong tỉnh đạt chất lượng; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cảng bến, vũng neo đậu tàu cá, nuôi trồng và chế biến thủy sản...           

Bài, ảnh: MAI HẠ

.