Bình Sơn: Mở rộng mô hình trồng nấm sò

09:12, 28/12/2010
.

(QNĐT)- Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như mùn cưa, rơm rạ… Phòng NN và PTNT huyện Bình Sơn đã  thực hiện mô hình trồng nấm sò ở xã Bình Trị với 40 hộ nông dân tham gia…

Tháng 10/2010, chị Tu Thị Kiều Vân, ở thôn An Long cùng với một số hộ gia đình khác được Hội Nông dân xã Bình Trị đưa đi tập huấn kỹ thuật trồng nấm tại trại giống Mộ Đức. Các hộ này được kỹ thuật viên của Trại giống hướng dẫn về qui trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm.

Sau đợt tập huấn trở về chị Vân triển khai sản xuất nấm  ngay tại nhà và hướng dẫn cho một số hộ cùng làm. Chị dành riêng một phòng rộng chừng 10 mét vuông và bỏ ra gần 10 triệu đồng vốn để thu mua rơm làm nguyên liệu cùng một số phương tiện sản xuất.
 
Khi giống gieo cấy xong vào bịch, thì xếp lên kệ hoặc treo bịch lên, bịch treo thành từng xâu 6 – 10 bịch theo kiểu đứng hoặc ngang tùy diện tích.
Các bịch nấm sò được xếp lên kệ.

Trong quá trình trồng nấm, chị được cán bộ kỹ thuật của Trạm giống theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ tích cực về kỹ thuật, do vậy công việc tiến triển khá thuận lợi.

Chị Tu Thị Kiều Vân nói: “Được xã giới thiệu đi tập huấn lớp trồng nấm trở về tôi thấy phù hợp nên tiến hành làm luôn và thấy rất hiệu quả. Hiện tại mỗi ngày tôi bán 10 kg nấm; giá 1 kg nấm tươi là 40.000 đồng thì một ngày được mấy trăm ngàn rồi".

Hơn 2.000 bịch nấm sò của chị Vân giờ đã cho thu hoạch; nhìn những cánh nấm mọc tua tủa quanh các bịch trông thật thích. Chị  cho biết: Kỹ thuật chăm sóc loại nấm này khá dễ, chỉ cần trại nấm được thiết kế thoáng mát và chắc chắn.

Nguyên liệu là rơm (có thể mùn cưa, bả mía, cùi bắp…) đem ủ với nước vôi 0,5%; sau 5 ngày đóng thành bịch từ 1,4-1,6kg sau đó đem hấp trong nồi khử trùng từ 4-8 giờ và cấy meo giống vào.

Khi giống gieo cấy xong vào bịch, thì xếp lên kệ hoặc treo bịch lên, bịch treo thành từng xâu 6 – 10 bịch theo kiểu đứng hoặc ngang tùy diện tích.

Bịch treo xong, cần tưới nước ướt xung quanh thành bịch để rửa và kích thích tơ nấm. Khi tơ nấm trắng đều thì dùng dao lam hoặc dao rạch thành từng đường dài khoảng 6 – 7 cm ở bên hông hoặc dưới đáy bịch 2 – 3 đường, không phạm quá sâu vào lớp có tơ nấm.

 Sau khi rạch bịch khoảng 6 giờ tưới nước 1 lần để giữ độ ẩm cho nấm phát triển và trưởng thành. Nấm chế biến được nhiều món ăn và hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Cũng theo chị Vân thì trồng nấm dễ  nhưng cũng rất khó bởi vì đây là loại cây trồng đòi hỏi tính sạch sẽ cao. Qui trình sản xuất càng sạch thì càng cho năng suất cao, còn nếu không đảm bảo vệ sinh thì nó sẽ hư hại và năng suất đạt thấp...

Hiện nay trại nấm của chị Vân mỗi ngày thu được trên dưới 10 kg nấm tươi từ 2.000 bịch giống và sẽ thu liên tục như vậy trong thời gian 45 ngày, ước thu về hàng trăm triệu đồng chỉ trong diện tích trại hơn 10 mét vuông. Rõ ràng là hiệu quả kinh tế rất cao. Sau khi trồng hết đợt nấm sò này, chị sẽ mua thêm giống để trồng tiếp, mở rộng qui mô trồng lên 5-6.000 túi giống…

Tương tự như chị Vân; các hộ  Nguyễn Văn Cam, Nguyễn Thị Liên ở thôn Phước Hoà, xã Bình Trị cũng đã tiến hành xây phòng, đầu tư vốn và đã triển khai gieo mầm trên 6.000 bịch nấm.

Sau gần 2 tháng thực hiện mô hình theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, các hộ trồng nấm đã nắm bắt khá tốt qui trình kỹ thuật sản xuất nấm sò trên vật liệu rơm rạ, mùn cưa. Nấm sò phát triển tốt, năng suất đạt cao. Với giá bán 40.000 đồng/kg nấm tươi như hiện nay, sau khi trừ chi phí họ đều có được một số lãi đáng kể.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Chi cục phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh đã hỗ trợ cho 40 hộ nông dân Bình Sơn, bình quân là 3 triệu đồng/hộ, với tổng kinh phí đầu tư tương đương trên 120 triệu.

Qua đầu tư cho các hộ nông dân xã Bình Trị sản xuất cho thấy rất hiệu quả. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân ra sản xuất ở các xã như Bình Khương, Bình Châu, Bình Nguyên và một số xã khác.
       
Văn Việt

.