Vị ngọt trên vùng đất bạc màu

03:11, 25/11/2010
.

(QNĐT)- những năm qua, diện tích mía trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn bị sụt giảm. Tuy nhiên, trên vùng đất bạc màu xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ vẫn còn những cánh đồng mía xanh ngút ngàn, bất chấp sự “tấn công” của các loại cây trồng khác. 

* Vùng quê trăm tấn

Ông Nguyễn Năm - Chủ nhiệm Hợp tác xã chuyên canh mía Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ vui mừng cho biết: Hiện tại, thu nhập hàng năm của xã viên đã được nâng lên đáng kể, có hộ đạt vài chục triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm những dụng cụ sinh hoạt đắt tiền và có điều kiện đầu tư cho con em ăn học. Cây mía đã mang lại vị ngọt cho nhiều hộ gia đình nông dân nơi đây.
 
c
Dây chuyền thu và xử lý mía vừa được lắp đặt
c
Chăm sóc mía.

Ông Võ Văn Giáp ở thôn An Lợi  hiện có hơn 10 sào ruộng mía, trong đó có trên 8 sào nằm trong vùng sản xuất chuyên canh. Trung bình mỗi năm ông thu được hơn 50 tấn mía. Riêng năng suất mía trong vùng chuyên canh đạt gần 5 tấn/sào. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi từ 20 – 25 triệu đồng.

Còn ông Đỗ Công Hoạch ở thôn An Tây hiện có 5 sào ruộng mía trong vùng sản xuất chuyên canh. Mỗi năm ông thu được khoảng 35 tấn mía cây. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư trồng hơn 4 sào mía gò đồi và diện tích đất vườn trong gia đình. Thu nhập từ cây mía đạt khoảng 25 triệu đồng/năm.

Nhờ đó, ông đã có điều kiện đầu tư cho các con ăn học. Hiện tại, 4 người con lớn của ông đã có việc làm ổn định tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, người con trai út hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Nha Trang. 

Theo ông Lương Văn Lai – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã thì cây mía đã đứng chân trên vùng đất Phổ Nhơn từ bao đời nay. Nhưng vì không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cộng với đất đai bạc màu, nên trong những năm trước đây năng suất mía rất thấp, chỉ đạt 25 – 30 tấn/ha.

Năm 2007, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Hợp tác xã đã cùng với các cấp, ngành chức năng vận động xã viên tham gia dồn điền đổi thửa đưa 10,4ha đất ở xứ đồng Miếu vào sản xuất chuyên canh mía. Đây là xứ đồng mà trước đó chỉ canh tác được 1 vụ lúa trong năm và không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất chỉ đạt từ 20 – 30 tạ/ha.

Nhờ được xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu, đường giao thông nội vùng nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm bón và thu hoạch mía. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng đã mạnh dạn đưa vào trồng những giống mía mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc thâm canh nên cây mía phát triển khá tốt. Năng suất trung bình vụ đầu tiên đạt hơn 90 tấn/ha.

Thấy được hiệu quả thiết thực, những năm sau đó đã có nhiều hộ dân tích cực hưởng ứng việc dồn điền đổi thửa để sản xuất chuyên canh mía. Đến nay, diện tích dồn điền đổi thửa của hợp tác xã đã lên đến hơn 142 ha. Năng suất mía cũng được duy trì từ 85 – 90 tấn/ha, một số hộ còn đạt 140 tấn/ha.

* Sản xuất chuyên canh để giữ chân cây mía

Theo ông Tạ Công Tường – Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong thì nhà máy hiện có gần 5.100 ha mía sau khi tiếp quản diện tích vùng nguyên liệu từ Nhà máy đường Quảng Phú. Trong đó, vùng mía nguyên liệu ở xã Phổ Nhơn huyện Đức Phổ chiếm gần 600 ha với sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn.
 
c
Đường giao thông nội vùng.

Phổ Nhơn cũng là địa phương đầu tiên áp dụng mô hình chuyên canh cây mía và đã đạt hiệu quả cao với năng suất luôn đạt từ 80 tấn/ha trở lên. Mức thu nhập của người trồng mía được tăng lên đáng kể so với trước đây. Và đây cũng chính là cơ sở để nhà máy mạnh dạn mở rộng vùng sản xuất chuyên canh ở các địa phương khác.

Để đảm bảo việc tiêu thụ mía cho nông dân, nhà máy vừa đầu tư hơn 15 tỷ đồng để lắp đặt bổ sung và nâng cấp một số thiết bị, nâng công suất ép từ 1.000 tấn lên 2.000 tấn/ngày. Ước tính trong vụ ép sắp đến sẽ thiếu khoảng 20.000 tấn mía so với công suất thiết kế.

Tuy lượng mía thiếu hụt không đáng kể, nhưng điều đáng lo ngại nhất là tình trạng người dân phá mía để chuyển sang trồng một số loại cây khác như hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do những diện tích này vẫn còn sản xuất phân tán nhỏ lẻ, năng suất thấp nên người nông dân chưa mặn mà với cây mía. Trong khi đó, diện tích chuyên canh mía trong toàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 1.400 ha ở các huyện là Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh và Bình Sơn.

Cũng theo ông Tường thì việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trong thời điểm hiện nay là một việc làm hết sức khó khăn khi một số loại cây trồng khác đang chiếm ưu thế so với cây mía. Do vậy, trong thời gian đến, nhà máy sẽ chú trọng vào việc tăng diện tích sản xuất chuyên canh để nâng cao năng suất và sản lượng mía.

Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ đưa vào trồng những loại giống mới, hướng dẫn nông dân chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao mức thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Có như vậy thì người dân mới an tâm gắn bó với cây mía, tạo sự ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.

                    Trang Thy 

.