Cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh: Tàu thuyền khó vào neo đậu

10:11, 15/11/2010
.

(QNg)- Hàng năm vào mùa mưa lũ, ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) lại lo lắng tìm nơi trú bão cho tàu thuyền. Năm 2004 cảng neo đậu tàu thuyền Sa Huỳnh được đưa vào sử dụng, cứ ngỡ sẽ giải quyết phần nào nỗi lo ấy cho ngư dân. Nhưng những vụ tai nạn liên tiếp của nhiều tàu thuyền khi vào tránh bão đã khiến cảng neo đậu này ngày càng đìu hiu. Do vậy những khó khăn của ngư dân Sa Huỳnh vẫn còn đó...

TỪ NHỮNG VỤ TAI NẠN
Dự án "Thông luồng cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh" được Sở Thủy sản (khi đó) triển khai xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2002, với vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng. Theo đó hai hạng mục chính của giai đoạn này là xây dựng kè chắn sóng và chắn cát dài hơn 450m. Năm 2004 giai đoạn 1 hoàn thành, hứa hẹn đem lại an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão cho hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Phổ Thạnh, của tỉnh ta và các tỉnh lân cận.
 
Do bị bồi lấp, cửa biển hẹp, nên tàu thuyền khó vào cảng Sa Huỳnh.
Do bị bồi lấp, cửa biển hẹp, nên tàu thuyền khó vào cảng Sa Huỳnh.

Thế nhưng niềm hy vọng ấy nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng, khi tàu thuyền của ngư dân ra vào gặp nhiều khó khăn, đồng thời liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn. Nguyên nhân chủ yếu do cửa biển bị bồi lấp, cửa ra vào cảng hẹp, nên tàu thuyền dễ va vào kè chắn sóng, nhất là những tàu có công suất trên 33 CV. Những năm qua hàng chục vụ tai nạn đã xảy ra khi tàu thuyền vào neo trú tại đây.

Ngày 21/10 năm nay, tàu ông Trần Quý (thôn Thạnh Đức 1, Phổ Thạnh, Đức Phổ) mang số hiệu QNg 44434 TS, công suất 45CV khi cố vào cảng neo trú để tránh bão số 6, đã không may bị sóng đánh vô kè, làm vỡ tàu nên chìm. May mà người dân kịp vớt được đầu máy của tàu. Hay vào ngày 21/4/2010, tàu mang số hiệu QNg 44728TS, công suất 39 CV của ông Trần Tấn Thành (thôn Thạch By 2, Phổ Thạnh) cũng bị sóng đánh vào kè, cả con tàu bị chìm. Thiệt hại mỗi lần tàu thuyền gặp nạn như thế khoảng vài trăm triệu đồng.

Ngư dân Võ Tấn Công (thôn Thạnh Đức 1, Phổ Thạnh), chủ tàu cá mang số hiệu QNg 44098 TS, bức xúc: Khi ra vào cửa biển Sa Huỳnh, tàu thuyền dễ bị gặp nạn do cửa biển bồi lấp hoặc sóng đánh va vào kè, nhất là vào thời đểm có gió bão, sóng lớn. Khi có mưa bão đến, ngư dân rất cần vào nơi neo đậu tại cảng Sa Huỳnh. Nhưng vì quá nguy hiểm khi vào cửa biển, nên nhiều tàu thuyền cũng kiếm chỗ khác neo đậu. Nếu không phải là người dày dạn, am hiểu cửa biển này thì chẳng ai dám liều để đưa thuyền của mình vào trú ẩn.

Cần phải thấy việc neo đậu và trú bão của tàu thuyền gặp nhiều khó khăn, nên sản phẩm sau khi đánh bắt không thể đem về địa phương để tiêu thụ, làm giảm nguồn thu nhập cho nhân dân; đồng thời nếu tình trạng này kéo dài sẽ hạn chế sự phát triển các loại hình dịch vụ nghề cá, và lao động nhàn rỗi ở các địa phương ngày một tăng.

Ngoài ra khi tàu thuyền không thể vào neo đậu đã khiến cho Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh khó khăn trong việc quản lý tàu thuyền và ngư dân. Ông Lê Diệt - Phó Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Huỳnh cho biết: Kể từ khi kè chắn cát và chắn sóng đưa vào sử dụng, thì số lượng tàu thuyền vào Trạm để đăng kí ngày càng giảm. Do đó việc nắm bắt số lượng tàu thuyền cũng như ngư dân đang tham gia lao động trên biển của Trạm là không thật sát sao.

CẦN MẠNH DẠN SỬA ĐỔI
Trong những năm qua có nhiều vụ tai nạn tàu thuyền xảy ra khi ra vào cảng Sa Huỳnh, nhưng vẫn chưa thấy các ngành chức năng có động thái gì nhằm khắc phục hạn chế của cảng này. Mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng trăm triệu đồng để nạo vét lòng lạch, nhưng đâu lại vào đó (nạo xong lại bị cát bồi). Thực tế cho thấy cửa biển Sa Huỳnh bồi lấp đã gây thiệt hại rất lớn cho ngư dân. Mỗi mùa mưa bão về ngư dân Sa Huỳnh phải neo đậu tại nơi khác, gây tốn kém. Do đó, điều chỉnh thiết kế, nạo vét cửa biển Sa Huỳnh là nỗi mong chờ của người dân.

Ông Trần Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết: Khi thực hiện dự án này chủ đầu tư đã không tham khảo ý kiến của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; đồng thời chưa tìm hiểu hết những kinh nghiệm từ ngư dân nơi đây, nên dự án có những bất cập. Mặc dù dự án đã phát huy phần nào tác dụng (như giúp nhiều hộ dân ở thôn Thạch By 1 được bảo vệ do sóng biển đập vào), nhưng những khó khăn gây ra cho ngư dân cũng rất nghiêm trọng. Chính vì vậy trong thời gian đến, chủ đầu tư nên mạnh dạn sửa đổi để mang lại lợi ích thật sự cho người dân.

Ông Lê Văn Khánh (Thạch By 1, Phổ Thạnh)- một người dân gắn bó khu vực cảng Sa Huỳnh hơn 50 năm nay, "hiến kế": "Nếu như các cơ quan chức năng xây dựng một đoạn kè vài trăm mét bắt đầu từ Hòn Mòng kéo dài ra biển thì hợp lý hơn. Khi đó bờ kè sẽ có tác dụng chắn sóng, đồng thời ngăn không cho cát bồi vào cửa biển. Hơn nữa, cửa biển Sa Huỳnh được rộng rãi hơn, tàu thuyền dễ ra vào cảng". Đó cũng là ý kiến của nhiều ngư dân nơi đây khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Làm thế nào để khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Sa Huỳnh?".

Có thể những ý kiến của các ngư dân còn phải được nghiên cứu tiếp, nhưng với những hiểu biết về địa hình nơi đây, cũng như kinh nghiệm nhiều năm đi biển của những ngư dân này, thì các ngành chứng năng cũng không nên bỏ qua ý kiến của họ. Bởi chính những người gắn bó nhiều năm với vùng biển Sa Huỳnh là những người hiểu nhất đặc điểm, quy luật hoạt động của vùng biển này.

Mong rằng, trong thời gian đến các cấp, ngành sẽ khẩn trương khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Sa Huỳnh, nhằm giúp ngư dân an tâm neo đậu tàu thuyền vào mùa mưa bão.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.