Bình Chánh: Phát triển ngư nghiệp với nghề mực khơi làm trọng tâm

01:11, 04/11/2010
.

(QNg)- Bình Chánh là một trong những địa phương đông dân ở huyện Bình Sơn. Toàn xã có gần 3.470 hộ và trên 12.600 nhân khẩu. Ngoài nông nghiệp chiếm khoảng 45%, thì số gia đình sinh sống bằng ngư nghiệp xấp xỉ 40%. 
 
TIN LIÊN QUAN


Chủ tịch UBND xã Trần Quang Tâm cho biết: Bình Chánh hiện có 102 chiếc thuyền, trong đó có 21 chiếc nghề mành đèn, còn lại làm nghề mực khơi. Số lượng tàu thuyền giảm hơn năm trước, song mã lực và sản lượng khai thác thì lại tăng lên đáng kể.  Nguyên nhân là do mấy năm trước đa phần tàu thuyền công suất nhỏ, có thu nhập thấp. Còn những năm gần đây nhiều gia đình đã mạnh dạn vay mượn vốn để sửa chữa, cải hoán tàu, thuyền để đi các ngư trường trong Nam, ngoài Bắc, vùng biển quần đảo Trường Sa, cách bờ hàng trăm hải lý khai thác hải sản.
 
Tàu câu mực khơi của ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn).
Tàu câu mực khơi của ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn).

Để ngư nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng bền vững, những năm qua xã Bình Chánh đã phối hợp với ban ngành liên quan mở các lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân, khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư, vay vốn phát triển nghề câu mực khơi; đồng thời vận động "bạn và chủ" đoàn kết, gắn bó với nhau làm ăn, nâng cao thu nhập.  

Ông Tâm cho biết thêm:  Đến thời điểm này ngoài việc vay mượn người thân và bà con lối xóm, 85 chủ phương tiện đánh bắt xa bờ ở Bình Chánh còn vay Ngân hàng NN và PTNT huyện, với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng để tân tạo tàu thuyền, mua sắm máy định vị, bộ đàm, I com đáp ứng với yêu cầu mở rộng ngư trường.

Xã Bình Chánh cũng đã hoàn tất các thủ tục giúp ngư dân  được nhận gần 4 tỷ đồng tiền hỗ trợ theo Quyết định 289 của Chính phủ, giải quyết những khó khăn, biến động về giá xăng dầu trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển; tạo điều kiện cho các hộ Nguyễn Đức Trà, Nguyễn Thanh Tự và Nguyễn Sô thuê mặt bằng, lập nhà xưởng thu mua và sơ chế mực xuất khẩu (tại thôn Mỹ Tân), nhằm thu hút các tàu thuyền sau khi đi đánh bắt trở về địa phương bán mực. 3 cơ sở này mở rộng kinh doanh, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở địa phương, thực hiện một số dịch vụ khác như: Mua bán xăng dầu, lương thực, thực phẩm phục vụ cho tàu thuyền tiếp tục đi biển,  góp phần  thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phó bí thư Đảng ủy xã Kiều Đức Dương cho hay: Câu mực khơi ở Bình Chánh là nghề đã có từ vài chục năm nay. Đây là nghề cần phải có nhiều vốn. Chưa kể kinh phí đóng tàu thuyền, trang bị lưới cụ và thông tin liên lạc, thì mỗi lần đi biển (từ 2 đến 3 tháng) một tàu thuyền phải mua dầu chạy máy, lương thực thực phẩm và nước ngọt đủ dùng cho khoảng 24 đến 30 lao động, phí tổn cũng đến vài ba trăm triệu đồng. Thêm nữa nghề mực khơi cũng khá vất vả, hằng ngày (từ xẩm tối đến hừng sáng) ngư dân xuống thúng câu mực. Sau đó tàu chính chạy đến vớt thúng, thu mực để xẻ phơi cho kịp nắng. Những hôm khai thác được nhiều mực, thì họ phải miệt mài công việc cho đến mặt trời đứng bóng; không kịp nghỉ ngơi lại phải chuẩn bị cho lần xuống thúng tiếp theo. Tuy nhiên nghề mực khơi cũng là nghề "hái ra tiền" nhiều hơn so với nghề mành đèn vốn có tại địa phương.

Từ năm 2005 trở lại đây mỗi năm ngư dân trong xã khai thác từ 3.500 tấn đến 3.900 tấn hải sản. Riêng 9 tháng năm 2010 khai thác 3.400 tấn, trong đó có 3.000 tấn mực khô. Trong tổng số 1.014 hộ gia đình được công nhận là sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương thì có đến 379 hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; có không ít hộ làm nghề mực khơi dôi dư 50-100 triệu đồng/năm. Vài tháng trước nhiều người trúng đậm mùa mực khơi, trung bình mỗi tàu thuyền khai thác trên 30 tấn mực khô (có tàu đạt trên 35 tấn) thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/người/chuyến biển.

Lê Ngọc Tuân

.