Nghề dệt thổ cẩm sẽ giúp bà con H’re thoát nghèo bền vững

07:09, 21/09/2010
.

(QNĐT) - Sáng 21/9, Đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực tế việc đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xã Ba Thành, Ba Ngạc (Ba Tơ).

Nghề dệt thổ cẩm của người H’re, ở Làng Teng, xã Ba Thành có từ lâu đời. Theo xu hướng phát triển của thời đại, các thiếu nữ dân tộc ít người ăn mặc gần như người Kinh nên trang phục bằng thổ cẩm hầu như chỉ còn tồn tại trong các lễ hội hoặc dùng làm trang trí nên đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, khiến cho nghề này đứng trước nguy cơ mai một.
 
Tuy nhiên, trên 30 phụ nữ được gọi là nghệ nhân nơi đây thì vẫn còn duy trì nghề này không chỉ với tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần giải quyết công nhàn rỗi trong khi hết mùa vụ. Làng Teng cũng là nơi duy nhất trong cộng đồng người H’re ở tỉnh ta còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
 
sss
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan đi  thực tế nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng.

Bà Phạm Thị Điêng, 70 tuổi-một trong những nghệ nhân của làng nói: “Để dệt được chiếc váy phải mất 5-6 ngày làm việc liên tục nhưng bán chỉ được từ 350-400 nghìn đồng. Trừ tiền chỉ chẳng kiếm được là bao nhưng tôi vẫn không bỏ nghề mà còn truyền lại cho 4 đứa con vì đây là nghề truyền thống mà bao đời cha ông đã gìn giữ. Vả lại, cũng là nghề kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn”.

Nhằm duy trì nghề nghề dệt thổ cẩm cho làng Teng, trong khuôn khổ Chương trình ISP (135-II), Trung tâm Dạy nghề Thanh niên đã mở lớp dạy nghề do 30 nghệ nhân đứng lớp giảng dạy cho 150 thiếu nữ H’re  tại 5 địa phương là Ba Tô, Ba Liên, Ba Thành, Ba Trang và Ba Ngạc.
 
Bà Phạm Thị Ngọc Kim - Giám đốc Trung tâm cho biết, sau 3 tháng được học nghề các học viên đã được cấp chứng chỉ và hiện đang dệt tại nhà. Với những nghệ nhân lớn tuổi thì họ chỉ sử dụng 2 màu chủ đạo là đỏ và đen trên thổ cẩm còn ưu điểm lớp trẻ họ sáng tạo hơn, biết phối hợp nhiều gam màu làm cho sản phẩm trở nên rực rỡ, phong phú và đa dạng.
 
Giờ đây không chỉ đơn thuần là những tấm thổ cẩm với hoa văn trang trí là đường viền mà còn là những hình ảnh như cảnh sông suối, núi rừng, trời mây… càng làm tăng thêm nét độc đáo cho thổ cẩm làng Teng.
 
aa
Học viên thực hành tại lớp dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề thanh niên.

Với sáng tạo của lớp trẻ, những tấm thổ cẩm đang dạng và phong phú hơn về màu sắc.
Với sáng tạo của lớp trẻ, những tấm thổ cẩm trở nên đang dạng và phong phú về hoa văn và rực rỡ hơn về màu sắc.
Một trong những học viên thạo nghề nhất, chị Phạm Thị Gam 24 tuổi ở thôn làng Teng cho biết, ngoài việc vừa dệt vừa dạy lại cho các thiếu nữ khác trong làng chị còn là đầu mối thu mua sản phẩm của bà con và bán lại cho các cửa hàng ở Hà Nội. Trung bình mỗi tháng chị kiếm được từ 3-4 triệu đồng.
 
Sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan cho rằng, việc đẩy mạnh mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại đây bước đầu đã đẩy lùi nguy cơ mai một của nghề nhưng hiện việc sản xuất, mua bán vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát.
 
Vì vậy, trong tương lai tỉnh sẽ định hướng phát triển làng nghề truyền thống này gắn với phát triển du lịch, nhằm vừa gìn giữ được bản sắc của dân tộc H’re vừa phát triển kinh tế. Khi đó nghề dệt thổ cẩm sẽ góp phần giúp bà con dân tộc thoát nghèo bền vững. 

Ái Kiều

.