Sa Huỳnh mùa cá bội thu

06:08, 01/08/2010
.

(QNg) - Mặt trời vừa ló dạng, cảng cá Sa Huỳnh (Đức Phổ) ken dày hàng trăm con tàu cập bến. Vị mặn, tanh nồng bốc lên và nhanh chóng lan tỏa từ những giỏ cá tươi rói đang được chuyển xuống cầu cảng, từ những giàn lưới ẩm ướt, từ những bộ đồ đi biển còn dính đầy vảy cá và từ những thân tàu còn đọng hơi muối mặn xa khơi.

 Bình minh trên cảng cá                                        

Chợ cá họp ngay trên cảng. Nắng ban mai ngời lên, hồng tươi mắt cá, dát vàng, tô bạc lên vi và đuôi những con cá màu da còn tươi tắn, long lanh dưới tia nắng đầu ngày. Tôi cảm nhận sự sôi động rất riêng trong nhịp điệu tươi ròng sức sống từ biển mang lại. Đó là vẻ đẹp đặc trưng của chợ cá ngay bên thềm biển.
 
Tiếng gọi í ới của bạn thuyền, tiếng chân người khiêng cá chạy huỳnh huỵch, tiếng xe máy nổ giòn làm huyên náo cả một vùng phía đông làng chài. Đội quân dịch vụ hậu cần nghề cá gồm hàng trăm cô gái đeo găng tay, mang ủng, làm việc hối hả. Nhiều loại cá lớn như cá thu, cá thiều, cá mú, cá nhám…liên tiếp "chảy" về các cơ sở thu mua và sơ chế quanh đây, nhưng giữa lòng chợ vẫn tấp nập người mua kẻ bán với rất nhiều lọai cá cỡ vừa và nhỏ. "Tàu của anh thu nhập khá chứ?", tôi hỏi một trai biển khá trẻ vừa có cú nhảy rất "điệu" từ mũi tàu xuống cầu cảng, tay xách một xâu cá hố. "Cũng khá anh à, được 1,3 tấn cá lớn nhỏ", chàng trai tự giới thiệu tên là Trần Lan, chủ đôi tàu cá 450CV, đáp. "Vụ cá này thật dễ chịu, biển êm, gió nhẹ, đường đi của lưới không bị chệch hướng. Hầu hết các tàu đều đánh bắt được trên một tấn", anh nói thêm rồi sà vào đám bạn chài tuổi đôi mươi đang nhâm nhi cà phê trong căng-tin.
 
Ngư dân Sa Huỳnh được mùa cá.
Ngư dân Sa Huỳnh được mùa cá.

Chị Nguyễn Thị Phượng - vợ của một chủ tàu cho biết, nghề cá Sa Huỳnh thu nạp gần hai trăm lao động nam (tuổi từ 18 tới 30), đến từ các địa phương lân cận. Họ "đầu quân" cho chủ tàu với thỏa thuận trả lương theo kiểu…mì ăn liền. Nghĩa là, xuống tàu ra biển từ buổi tối hôm trước đến sáng hôm sau, chủ trả thù lao 150 ngàn đồng, bất kể biển no hay đói. Một chị đặt rổ cua lên  bàn cân. Thấy tôi đứng ngắm say sưa mấy chục con cua màu đỏ gắt, chị bảo: "Cua huỳnh đế đó. Anh mua hả? Để mai đi, nhà hàng du lịch dặn từ hôm trước rồi, giờ mới có. Đắt lắm đấy, bi nhiêu đây cỡ hơn nửa triệu đó anh". Chợt nghĩ, nhiều khách du lịch ăn tiêu cỡ "hoàng đế" nên họ chẳng ngại gì khi bỏ tiền triệu ra mua cua huỳnh đế - loại cua đắt đỏ mà những người thu nhập thường thường không thể nào mơ tới.       
 
"Tạm biệt" Ngân hàng

Nhờ hai năm liên tiếp trúng những vụ cá như vụ này, nhiều chủ tàu đã nói lời "tạm biệt" với ngân hàng (thanh toán dứt điểm cả gốc lẫn lãi - TG). Anh Võ Bảy, giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Sa Huỳnh cho tôi biết. Nhiều chủ tàu chưa qua tuổi thanh niên đã ngang dọc biển Đông, thuộc vùng biển miền Nam, miền Tây như thuộc từng mắt lưới, từng sợi cước. Họ đang giàu lên, san sẻ, dìu dắt từng bước chắc chắn đám con cháu đi vào nghề biển. Giờ thì họ chỉ nghĩ đến việc tích lũy để mua sắm phương tiện hành nghề tân tiến hơn, sửa cái nhà "ngon ngon" một chút cho bõ những năm nhà chật vì phải lo đầu tư cho tàu cá.
 
Người dân Sa Huỳnh vá lưới.
Người dân Sa Huỳnh vá lưới.

"Việc lo cho con học đại học thì không vấn đề gì" - anh Trần Thanh Nga, thôn Thạnh Đức 1, người đã trả nửa tỷ đồng cho Ngân hàng một cách gọn nhẹ, nói. Anh Nguyễn Duy Trinh, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, nhận xét: Nhiều chủ tàu cá cỡ nhỏ, chỉ loanh quanh trong vùng biển tỉnh nhà nay đã vươn lên, làm chủ tàu có công suất trên 350 CV, nhập vào đội tàu đánh bắt xa bờ, nhanh chóng thoát nghèo, thanh toán dứt điểm nợ ngân hàng nhờ biết làm ăn theo hướng hiện đại. Họ không hề vắng mặt trong các lớp học đào tạo thuyền trưởng, tài công và trang bị kiến thức về nghề biển được tổ chức hàng năm. Vì họ hiểu rằng, để có những mùa cá bội thu, những mùa cá rộn vui, xôn xao làng trên xóm dưới thì không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm nhìn mây, đoán gió…

Trần Cao Duyên

.