Đường đi của cát

03:08, 01/08/2010
.
Phóng sự của TRẦN ĐĂNG

(QNĐT) - Đó là đường đi kỳ lạ nhất của hạt cát hôm nay: Ra nước ngoài bằng tàu biển nhưng được núp dưới danh nghĩa “xuất khẩu sắn lát”! Ở Quảng Ngãi hiện có rất nhiều “công trường” chuyên làm công việc trộn cát vào sắn lát này. Kể từ  khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định cấm xuất khẩu cát xây dựng vào ngày 30/6/2010, những “công trường” này càng sôi động hơn.

Thông thường, đường đi của cát được “lập trình” như sau: Nước lũ tự nó đã thành chiếc sàng khổng lồ để “lọc” trong mớ hổ lốn đất đá, rác rều từ thượng nguồn sông Trà thành những vỉa cát trắng phau, đem dâng tặng cho những nhà thầu xây dựng ngay quãng sông chảy qua giữa lòng thành phố Quảng Ngãi.

Chẳng cần phải dùng sà lan ngược lên vùng thượng nguồn như ở một số tỉnh phía Bắc để vận chuyển cát hoặc dùng máy “cạp” để moi cát trong lòng sông như ở các tỉnh phía Nam, tại Quảng Ngãi, chỉ cần đưa xe tải xuống giữa lòng sông mùa khô hạn, loáng cái đã có xe cát đầy tú hụ rồi. Vì vậy, vào mùa khai thác cát, những hố hầm như thời trận mạc giăng mắc khắp lòng sông Trà.

Sang mùa mưa, những hố hầm ấy sẽ được cát từ thượng nguồn theo nước lũ đổ về lấp đầy như cũ. Qua năm sau lại xúc xúc, đào đào. Thứ “lộc trời” này được những tay đầu nậu cát tận hưởng mà không mất tiền từ hàng chục năm qua, đến năm 2009 thì chấm dứt hẳn, sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi cho một doanh nghiệp đứng ra “bao thầu” phần lớn các mỏ cát sông Trà. Đổi lại, doanh nghiệp này sẽ xây bờ kè chống xói lở và thi công đập dâng nước ở cuối sông Trà trong vòng … 50 năm!
 
Một điểm “sắn trộn cát” ở Sơn Tịnh. Ảnh: T.Đ
Một điểm “sắn trộn cát” ở Sơn Tịnh. Ảnh: T.Đ

Các mỏ cát trên sông Trà đã có chủ mới, song đường đi của cát thì vẫn như cũ. Cho đến khi Chính phủ ra quyết định cấm xuất khẩu cát xây dựng, hạt cát sông Trà lại tìm một bến đỗ mới mà kể ra đây, chẳng mấy ai tin.

Cuộc chiến của sắn lát

Mấy năm qua, cây sắn đã giành giật thị phần khá quyết liệt với các loại cây trồng khác trên đất Quảng Ngãi, nhất là cây mía. Và cho đến vụ mía năm 2010 này, cây sắn đã chính thức khai tử thêm một nhà máy đường nữa của Quảng Ngãi-một tỉnh được xem là thủ phủ mía đường miền Trung suốt 37 năm qua. Nói cây sắn “khai tử” nhà máy đường là cách nói bóng gió, còn nói trắng ra là, chính hai nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh này đã “giết chết” hai nhà máy đường của Công ty đường Quảng Ngãi.

Hai năm trước là vậy, còn bây giờ, chính những tay đầu đậu chuyên mua sắn lát cũng đã bắt đầu rút gươm ra để thách đấu với hai nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh này! Bằng chứng là, nếu nhà máy mua 1.800đ/kg sắn tươi (thời điểm tháng 7/2010) nhưng củ sắn phải có độ tinh bột cao thì tư thương không quan tâm đến độ tinh bột mà mua theo “cơ chế thoáng”: cân bao nhiêu ký, trả bấy nhiêu tiền, giá vẫn 1.800đ/kg!
 

Nông dân chỉ chờ có vậy là bán ào ào vì họ không phải lạy lục xin phiếu thu hoạch sắn, cũng không chờ chực để được cân sắn tươi. Hàng chục tay đầu nậu sắn đã tranh thủ tận dụng một số mặt bằng tại các “khu công nghiệp làng nghề” chưa kịp xây dựng hạ tầng để làm nơi tập kết sắn. Họ mua máy xắt sắn tươi thành sắn lát, hoạt động suốt ngày đêm.

Xe mua sắn tươi đã lùng vào tận các hang cùng ngõ hẻm, lên tận các huyện miền núi để mua sắn chở về. Đây quả là một “cuộc chiến” thật sự với các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tư thương mua sắn “thoáng” hơn nhà máy, giá cả có khi lại cao hơn, mà họ vẫn có lãi? Câu trả lời sẽ không mấy dễ dàng, nếu như không chứng kiến cảnh trộn cát vào sắn của các điểm được gọi là “chế biến” này.

Sắn trộn cát

Trên đường về quê, ngang qua một “công trường” chế biến sắn lát thuộc xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tình cờ tôi  phát hiện một cảnh tượng kỳ lạ nhất từ trước đến giờ: Quá trưa, sắn bắt đầu khô héo, hàng chục phụ nữ dùng xe “con rùa” chuyển cát vào bên trong bãi sắn. Họ vun số sắn lát lại thành luống rồi cho cát vào giữa các luống sắn này, sau đó trộn đều giữa cát và sắn rồi xúc vô bao bằng những chiếc xẻng chuyên dụng và cho lên xe tải chuyển vào cảng Quy Nhơn để… xuất khẩu!
 
a
Cứ hai luống sắn kèm một luống cát. Ảnh: T.Đ

Tôi nhấc thử một bao “sắn” nhưng không cách nào nhấc nổi. Chị Thoa, một trong số những phụ nữ tham gia “trộn cát vào sắn” nói: “Hai người như anh mới nhấc nổi, cả tạ đấy!”. Nếu chỉ dùng để đựng sắn lát thì mỗi bao tải này chỉ có thể chứa khoảng 50kg là cùng.

Tôi tò mò: “Thế, mỗi bao sắn này, cát chiếm bao nhiêu ký?”. “Cũng tùy người trộn, nhưng thông thường thì sắn 20, cát 80”. Thấy tôi ngơ ngác trước phép tính ấy, chị Thoa lại phải giải thích thêm: “Vô đó (tức cảng Quy Nhơn), người ta trừ 50% tạp chất (ở đây là cát), chủ hàng vẫn còn “lãi” đến 30% sắn, dại gì không trộn!”. “Nghĩa là…?”.

Chị Thoa cắt ngang: “Nước ngoài họ chấp nhận hình thức trộn cát kiểu này mà. Chỉ có điều, bao giờ họ cũng trừ 50% gọi là tạp chất ấy. Dù có bị trừ đến như thế, những người buôn sắn vẫn có lời”.

Một ý nghĩ xẹt ngang đầu tôi: Hóa ra những người đàn bà tham gia trò trộn cát vào sắn để kiếm lời này “ngây thơ” thật. Xuất khẩu cát xây dựng bị cấm cả tháng nay rồi nên cát được núp bóng sắn lát để “xuất ngoại” là cách đi an toàn nhất! Hơn nữa, núp dưới lớp vỏ “xuất khẩu nông sản” sẽ không phải chịu thuế, trong khi xuất khẩu cát phải chịu 17% thuế tài nguyên. Đó là bài toán được những tay “trùm cát” tính rất kỹ mà những đại lý chuyên trộn cát vào sắn không thể nào hiểu được!

Chị Hồ Thị Huê, một chủ đầu nậu sắn cho biết: Mỗi ngày đại lý của chị mua 3 xe cát, khoảng 45 tấn về trộn với khoảng 5-6 tấn sắn lát. Không chỉ một bãi sắn này mà dọc sông Trà, từ bên hữu ngạn Tư Nghĩa đến tả ngạn Sơn Tịnh có đến 9-10 “công trường trộn cát” như thế.

Làm một phép tính giản đơn: Mỗi ngày một điểm này tiêu thụ 45 tấn cát, cả 9-10 điểm như thế, số cát “chảy” về cảng Quy Nhơn để xuất khẩu chui sẽ là trên 400 tấn.
 
Cho “sắn-cát” vào bao bằng những chiếc xẻng chuyên dụng. Ảnh: T.Đ
Cho “sắn-cát” vào bao bằng những chiếc xẻng chuyên dụng. Ảnh: T.Đ

Đó là cách suy luận của nhà báo, còn thực tế số cát “chảy” ra nước ngoài theo đường sắn lát có thể nhiều hơn vì dọc miền Trung, những con sông vào mùa khô hạn đều là những dòng sông cát, đây lại là mùa thu hoạch sắn tươi ở các huyện miền núi nên công đoạn trộn sắn vào cát này có thể diễn ra ở bất cứ đâu, miễn là gần các bến sông có nhiều cát!

Hải quan nói gì?

Sau ba cuộc gọi xin hẹn gặp để làm việc bị ông Cục trưởng Hải quan Bình Định từ chối, cuối cùng rồi ông cũng miễn cưỡng sắp xếp cho ông Phó cục trưởng Nguyễn Văn Thịnh tiếp tôi. Câu hỏi đầu tiên dành cho ông Cục phó hải quan là: “Các anh có biết cái trò trộn cát vào sắn để xuất khẩu đã và đang diễn ra ở cảng Quy Nhơn này không?”. Ông Thịnh lắc đầu “không biết”, nhưng giải thích thêm: “Năm ngoái thì chúng tôi có biết một số đơn vị xuất  khẩu sắn lát có trộn đá vào để cho nặng ký (?), còn năm nay thì không biết thế nào”.
 
Sắn xuất khẩu tại cảng Quy Nhơn cuối tháng 7/2010. Ảnh: T.Đ
Sắn xuất khẩu tại cảng Quy Nhơn cuối tháng 7/2010. Ảnh: T.Đ

“Thế nhiệm vụ của hải quan khi kiểm tra các lô hàng sắn lát này như thế nào?”. Ông Thịnh: “Đây là hàng nông sản, được xếp vào loại “luồng xanh” nên không phải kiểm tra kỹ như các loại hàng hóa khác”.

Cũng theo ông Thịnh thì “những doanh nghiệp xuất khẩu sắn lát mà trộn các thứ vào để cho nặng ký thì nước ngoài họ sẽ “tẩy chay” ngay, doanh nghiệp đó sẽ mất uy tín!”. “Nhưng, thưa ông, ở đây họ chỉ mượn lớp áo xuất khẩu sắn lát để tuồn cát xây dựng đi nước ngoài chứ có phải sắn lát là chính đâu ạ?”. Ông Thịnh có nói là sẽ chỉ đạo thuộc cấp kiểm tra lại chuyện “sắn trộn cát” này.

Tôi ra tận cảng Quy Nhơn để xem những lô hàng sắn lát đang chuyển lên tàu để xem cách thức chuyển “sắn trộn cát” này như thế nào thì được một tay đầu nậu sắn lát mách cho: “Lô sắn lát này từ Tây Nguyên chuyển xuống anh ơi. Trên đó đang là mùa mưa, lấy đâu ra cát mà trộn vào!”.

Một người quen của tôi ở Quy Nhơn, khá thông thạo chuyện xuất khẩu, có đưa tôi lên Diêu Trì, nơi có hàng trăm kho bãi chứa sắn để may ra có mục sở thị được số cát mà tôi đã thấy họ chuyển lên xe từ Quảng Ngãi không, nhưng tuyệt nhiên, các kho bãi này “im lìm” đến hoang vắng!

Anh chàng “dắt mối” lắc đầu: “Sẽ rất khó để tiếp cận vào bên trong các kho này vì bảo vệ rất nghiêm ngặt, may ra chỉ có công an!”. Tôi nói với hắn: “Nhưng tụi mình đâu phải công an, về!”.

Có quá vội vàng không khi nói rằng cát đã núp bóng sắn để tuồn ra nước ngoài trong lúc này? Nhưng mỗi ngày có đến hàng trăm tấn cát được trộn vào sắn lát kia thì nhằm mục đích gì?

.