Khai thác hải sản kết hợp bảo vệ tài nguyên, môi trường và an ninh biển đảo: Cần được quan tâm đúng mức

08:07, 22/07/2010
.

(QNg) - Nghị quyết Hội nghị TW 4 khoá X chỉ rõ: "Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển". Quảng Ngãi có 130 km bờ biển với đảo tiền tiêu Lý Sơn và 5 huyện ven biển, ngư dân lại có truyền thống đánh bắt hải sản gắn với đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vì vậy, việc hoà nhập cùng cả nước để hướng ra biển lớn là việc làm cấp bách mà Quảng Ngãi phải làm.

Tuy nhiên công tác quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo hiện nay cũng cần được tỉnh quan tâm đúng mức hơn. Hiện tại việc khai thác, đánh bắt trên vùng biển có nhiều tồn tại đáng bàn. Điển hình như khai thác rong biển ồ ạt, không theo chu kỳ, quy luật tự nhiên; đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đó là chưa kể tình trạng dùng thiết bị, tàu thuyền đánh bắt xa bờ "càn quét" biển gần bờ; dùng đèn pha đánh bắt cá không đúng quy định... đã tàn phá môi trường biển rất nặng nề. Trong khi đó, trên các cửa biển ở tỉnh ta đã bồi lấp nhiều năm qua, dù tỉnh có tiến hành nạo vét, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho ngư dân khi ra khơi cũng như chuyển sản phẩm đánh bắt về bán tại đất liền.
 
Ngư dân đánh bắt hải sản phải biết giữ gìn tài nguyên môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong ảnh: Tàu thuyền của ngư dân Bình Châu
Ngư dân đánh bắt hải sản phải biết giữ gìn tài nguyên môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong ảnh: Tàu thuyền của ngư dân Bình Châu

Chính vì vậy, việc xây dựng các quy định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giữ gìn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển là điều rất cần thiết. Hơn nữa, việc quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; xây dựng đề án thương mại hoá các thông tin, số liệu, thiết lập cơ chế tài chính  trong quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu biển phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Đây sẽ là những công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng để sớm chấn chỉnh, đưa các hoạt động khai thác, sử dụng biển đảo vào nền nếp, góp phần phát huy cao nhất hiệu quả quản lý kinh tế biển.

Ngư dân đánh bắt xa bờ trên biển Đông vừa là phát triển kinh tế biển, vừa góp phần rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Hằng năm cùng với chính sách đầu tư kinh phí của Trung ương cho Quảng Ngãi (nhất là chương trình Biển đông hải đảo - nay là Chương trình bãi ngang ven biển), thì tỉnh ta cũng cần làm công tác điều tra cơ bản về quản lý tài nguyên môi trường biển, phát triển khoa học biển, bảo vệ môi trường biển… Bên cạnh đó việc tạo điều kiện, cơ chế cho ngư dân đóng tàu thuyền có công suất lớn để vươn ra khơi xa, có thể tự bảo vệ mình khi gặp các sự cố tàu nước ngoài bắt, rượt đuổi... cũng là điều cần thiết.

Điều mà lâu nay cả tỉnh còn quan tâm nữa là, tàu thuyền của ngư dân ta đánh bắt xa bờ trên các vùng biển thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị nước ngoài bắt, cướp đoạt tài sản và đòi tiền nộp phạt. Theo thống kê của ngành an ninh, trong 5 năm trở lại đây, Quảng Ngãi có 195 tàu/1.906 ngư dân bị nước ngoài bắt, hiện còn 16 tàu, 90 ngư dân chưa được trả về địa phương. Đó là chưa kể có 2 ngư dân bị tàu nước ngoài bắn chết, 7 ngư dân bị bắn bị thương. Để bảo vệ ngư dân trong các trường hợp này, điều tiên quyết nên làm là tuyên truyền cho ngư dân để hiểu được luật, đâu là vùng biển của mình, đâu là vùng biển quốc tế, vùng biển chồng lấn... để họ tuân thủ luật pháp trên biển trong quá trình hành nghề. Theo đó, ý thức của ngư dân phải được nâng cao trách nhiệm để làm sao vừa khai thác hải sản phát triển kinh tế biển và sự hiện diện của ngư dân cũng góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền trên biển Đông.   

Một tin vui cho ngư dân Quảng Ngãi là, vừa qua Chính phủ đã quyết định đầu tư 18 trạm rađa biển (1 triệu USD/trạm) có bán kính quét 200 km đặt dọc theo ven biển và một số đảo quan trọng của Việt Nam nhằm kiểm soát tài nguyên môi trường biển, cảnh báo thiên tai, hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển, cảnh báo sự cố tràn dầu… để có giải pháp kịp thời xử lý trong mọi tình huống. Quyết định này đặc biệt quan trọng để tiến tới kiểm soát toàn diện vùng trời, vùng biển đảo góp phần nâng cao vị thế quốc gia biển của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, các ban ngành của Trung ương cũng đang trình Chính phủ phê duyệt chương trình tuyên truyền tổng thể về vai trò, vị trí, vấn đề chủ quyền, chiến lược phát triển biển đảo nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền vấn đề biển đảo đến các cấp, các ngành,  các khu dân cư tại các địa phương.

Chính phủ cũng đang xem xét kiến nghị bổ sung, hoàn chỉnh công ước luật biển để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền biển đảo; làm cho mỗi người dân Việt Nam khi ra nước ngoài có thể giới thiệu, khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Với những tin vui này, thiết nghĩ tỉnh ta cũng cần có động thái tích cực để những chương trình đầu tư của trung ương vào tỉnh được thuận  lợi hơn. Và đó cũng là hành động thiết thực để vươn ra biển xa làm giàu cho Quảng Ngãi cũng như giữ gìn tài nguyên, môi trường trên biển và bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đảo.

         Bài, ảnh: PHẠM ANH

.