Bình Sơn phát triển các mô hình chăn nuôi đặc sản

01:07, 08/07/2010
.

(QNg) - Những năm gần đây, nông dân huyện Bình Sơn đã từng bước đưa những con vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi, giúp cho nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu hiệu quả.
 
Hiện tại thịt kỳ đà, nhông là món ăn đặc sản, được người tiêu dùng ưa chuộng nên được bán với giá rất cao trên thị trường. Người mạnh dạn đi đầu đưa kỳ đà về nuôi đầu tiên trong tỉnh phải kể tới là ông Trần Duy Nhị, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Một lần ra Hà Bắc thăm người thân, ông tình cờ thấy hộ gần nhà nuôi kỳ đà, thế là ông tìm hiểu, học hỏi cách nuôi và bắt 2 con về nuôi thử. Thấy con vật này có khả năng thích nghi với môi trường và điều kiện thời tiết ở đây, nên ông đã mạnh dạn mua thêm 41 con. Sau hơn 12 tháng nuôi và chăm sóc tốt, đàn kỳ đà đã sinh sản được 21 con. Năm 2009 ông xuất chuồng được 300 kg kỳ đà thu khoảng 400.000đ/kg.
 Đàn kỳ đà trong trang trại của ông Trần Duy Nhị.
Đàn kỳ đà trong trang trại của ông Trần Duy Nhị.
Ngoài ra, ông Nhị còn đầu tư nuôi nhông với quy mô lớn. Năm 2009 ông đầu tư 25 triệu đồng để xây dựng trại nuôi cơ bản rộng 150m2. Nền trại được lót gạch Bát Tràng, phủ một lớp cát biển dày độ 5-7 cm, mái lợp lá dừa nước, xung quanh được che chắn bằng tôn, phía trên có lưới B40. Ngoài ra ông làm một số ụ cát, đặt thùng xốp trong trại để nhông làm nơi trú ẩn. Hiện nay ông đã cho nhông sinh sản thành công. Đến nay, trong trại của ông Nhị đang có hơn 10.000 con nhông và gần 200 con kỳ đà (vừa giống, vừa thịt) đủ mọi kích cỡ, phát triển rất tốt. Từ đầu năm 2010 đến giờ, ông đã xuất bán được 300 kg kỳ đà, 400 kg nhông. Thu nhập từ kỳ đà và nhông đã đem lại cho gia đình một khoản thu khá lớn (từ 350 đến 400 triệu đồng) lãi ròng 100 triệu đồng.

Nhím 12 tháng tuổi của anh Việt có giá 25 triệu đồng/cặp.
Nhím 12 tháng tuổi của anh Việt có giá 25 triệu đồng/cặp.
Còn ông Đỗ Văn Thạnh (ở thôn 4, xã Bình Hòa) thì lại nuôi heo rừng. Ông bắt đầu làm công việc này vào năm 2005. Giống heo rừng được mua về từ huyện Mộ Đức và tỉnh Tây Ninh. Đến nay ông đã xuất chuồng trên 50 con heo rừng. Chỉ riêng đầu năm 2010 ông đã xuất 16 con, con lớn nhất có giá 4 triệu đồng và con nhỏ nhất là 1,5 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi con 2,5 triệu đồng, ông thu về 125 triệu đồng, lãi ròng 70 triệu đồng. Hiện nay ông còn 25 con heo rừng lớn, nhỏ. Trong đó có 1 con heo đực giống trọng lượng trên 100 kg và 6 con heo nái.

Cũng nuôi heo rừng như ông Thạnh, nhưng ông Phạm Văn Trinh (ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương) chỉ mới bắt tay vào nuôi từ tháng 3/2009. Ông đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 10 con giống (01 đực và 09 cái). Sau hơn 14 tháng nuôi, số lượng đàn heo gia đình ông đã tăng lên 50 con. Tuy nhiên hiện giờ ông không bán mà để tiếp tục gây đàn với số lượng lớn hơn.

Trong khi đó ở xã Bình Thới (Bình Sơn), ông Nguyễn Ái Việt lại tập trung nguồn vốn để phát triển trại nuôi nhím sinh sản. Trung bình mỗi tháng, đàn nhím đã đem lại cho ông nguồn thu trên 12 triệu đồng. Ban đầu chỉ với 3 cặp nhím giống nuôi thử nghiệm, đến nay đàn nhím của ông đã lên đến 61,5 cặp. Vừa qua ông Việt đã xuất bán ra thị trường được 20 cặp nhím; bao gồm 8 cặp nhím 12 tháng tuổi và 12 cặp nhím con 2,5 tháng tuổi, thu về 387 triệu đồng. Nhím 12 tháng tuổi ông bán với giá 25 triệu đồng/cặp; 2,5 tháng tuổi có giá 15 triệu đồng/cặp. Như vậy chỉ sau 4 năm  nuôi nhím, gia đình ông đã thu lãi ròng được khoảng 40 triệu đồng/năm (sau khi khấu trừ các khoản chi phí về đầu tư mua giống, thức ăn, xây chuồng, công lao động chăm sóc...).

Hiện tại trong chuồng của gia đình còn 35 cặp nhím (trị giá khoảng 525 triệu đồng). Tổng thu nhập từ đàn nhím đã đem lại cho ông nguồn lãi 678 triệu đồng, bình quân mỗi tháng lãi hơn 12 triệu đồng. Trong năm 2010 ông tiếp tục phát triển thêm 2 điểm nuôi nhím ở xã Bình Chương và Bình Hải, với số lượng 6 cặp nhím giống trưởng thành. Ông Việt cho biết: Nhím giống hiện nay còn rất khan hiếm nên không đáp ứng kịp nhu cầu của người muốn nuôi, hiện tại trại nhím của tôi chỉ đáp ứng được 5% yêu cầu. Nuôi nhím không khó nhưng cũng cần nắm vững kỹ thuật nuôi…
 
 Đàn heo rừng trên 50 con của ông Phạm Văn Trịnh, ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương.
Đàn heo rừng trên 50 con của ông Phạm Văn Trịnh, ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương.

Có thể nói nông dân Bình Sơn đã và đang thật sự trở thành triệu phú từ việc nuôi vật nuôi đặc sản. Những loài động vật hoang dã trước đây đang dần trở thành vật nuôi có giá trị cho gia đình, giúp bà con làm giàu nhanh chóng.

  Bài, ảnh: Phương Dung

.