Phát triển KT-XH ở miền núi Quảng Ngãi: Cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:05, 12/05/2010
.

(QNg) - Các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh. Đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước được cải thiện, đời sống văn hoá-tinh thần của đa số nhân dân trong vùng được nâng lên rõ rệt.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra "Phát triển mạnh kinh tế-xã hội ở miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc". Qua hơn 4 năm thực hiện, được sự quan tâm của các cấp, các ngành đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Tổng giá trị sản xuất toàn vùng năm 2008 tăng so với năm 2005 là 135,8%. Tốc độ phát triển bình quân thời kỳ 2006-2008 là 110,76%. Cơ cấu giá trị sản xuất toàn vùng đang chuyển dịch theo định hướng, so với năm 2005 tỷ trọng nông, lâm, thuỷ sản từ 67,7% giảm xuống còn 54,83%; công nghiệp xây dựng từ 21,2% tăng lên 23,02%; thương mại dịch vụ từ 15,1 tăng lên 22,15%.

 Thi công đường giao thông ở miền núi Sơn Hà, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Thi công đường giao thông ở miền núi Sơn Hà, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2009) và Chính sách 134 đã góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn từng bước được củng cố; nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xã, thôn bản đã từng bước nâng cao kỹ thuật canh tác mới cho nhân dân trong vùng- với những giống cây vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt đã dần dần thay thế cho những tập quán sản xuất lạc hậu. Phát triển sản xuất số hộ nghèo giảm nhanh, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) gồm các dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, kinh phí để thực hiện các dự án này là 179.084 triệu đồng, đến nay đã thực hiện giải ngân được 129.397 triệu đồng (đạt 72,25% kế hoạch vốn giao). Riêng chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường, UBND tỉnh đã phân bổ 443 triệu đồng để các địa phương thực hiện hỗ trợ các hoạt động văn hoá thông tin và trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật, đến nay đã thực hiện giải ngân 238 triệu đồng (53,7% kế hoạch giao); chính sách hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo học mẫu giáo và học sinh con hộ nghèo học bán trú các cấp phổ thông (theo Quyết định 112/2008/QĐ-TTg) với  tổng kinh phí 42.321,16 triệu đồng, đến nay đã thực hiện giải ngân 38.221 triệu đồng (90,3% kế hoạch vốn giao).

Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đã được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng từ năm 2005-2009, với tổng kinh phí 141.789,79 triệu đồng.

Ngoài ra còn có các chương trình, dự án, chính sách: Chính sách trợ giá, trợ cước và cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách; chính sách tín dụng; chính sách định canh định cư; chính sách theo Quyết định 289/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân; chính sách phát triển giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo lao động… được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh. Đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từng bước được cải thiện, đời sống văn hoá-tinh thần của đa số nhân dân vùng được nâng lên rõ rệt. Nhiều địa phương đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Đến nay, hầu hết các xã đã có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, góp phần ngăn chặn cơ bản các dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Phạm Thanh Hiền- Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc miền núi ngày càng tập trung, có trọng điểm, đúng địa bàn và đúng đối tượng có hiệu quả, nhân dân hưởng lợi ngày càng nhiều, góp phần quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo. Đưa tỷ lệ hộ nghèo ở sáu huyện miền núi của tỉnh từ 64,41% năm 2006 xuống còn 46,29% vào 6/2009".

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi có lúc, có nơi triển khai thực hiện chưa kịp thời. Chưa có cơ chế, giải pháp lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn đã làm hạn chế đến kết quả  thực hiện và hiệu quả đạt được theo yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh còn cao (46,29% vào tháng 6/2009) so với mục tiêu Nghị quyết đề ra là đến năm 2010 giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo xuống dưới 35%.

Trong thời gian đến, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cũng như chú trọng đến việc phát triển nông-lâm nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, nâng cao dân trí, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Lê Thuỷ

.