Tây Trà: Tiểu thương méo mặt vì đót

04:04, 09/04/2010
.

(QNĐT) - Nếu như cách đây 1 tháng, ở huyện miền núi Tây Trà là không khí nhộn nhịp của những ngày thu hoạch đót, thì tại thời điểm này, hàng trăm tiểu thương ở Tây Trà đang méo mặt vì giá đót trượt dài, không có ai hỏi mua, muốn bán cũng không bán được.
 
 
TIN LIÊN QUAN

Mùa đót năm nay do bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2009 nên sản lượng giảm hơn so với những năm trước. Toàn huyện chỉ thu hoạch được khoảng trên 150 tấn đót khô.

Người mua đót phải che chắn cẩn thận
Người mua đót phải che chắn cẩn thận.
Do đót năm ngoái có giá (trên 350.000đ một mét) và năm nay đót lại ít hơn mọi năm nên ngay từ đầu mùa các tiểu thương đều mua đót với giá khá cao (từ 3-4 ngàn đồng một ký đót tươi, tính trung bình là 350 ngàn đồng một mét đót khô). Thế nhưng năm nay giá đót hạ dài, hiện nay giá chỉ còn dao động dưới 280 ngàn đồng một mét đót khô. Ở Tây Trà, hàng trăm tiểu thương thu mua đót đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng.

Chúng tôi đến nhà của chị Hồ Thị Thơm ở đầu cầu Ra Ue, thôn Hà Riềng, xã Trà Phong. Nghe chúng tôi hỏi về việc mua bán đót, giá cả, chị cười buồn: “Não ruột lắm em ơi, đót thì đẹp nhưng không có giá, cứ hạ hoài, chắc lỗ chết thôi”.

Chị Thơm là người dân tộc Cor, quê gốc ở đây nhưng vợ chồng chị rất biết cách làm ăn, chị nấu rượu, nuôi heo, đến mùa đót, chị đứng ra thu mua đót của bà con rồi bán cho những tiểu thương dưới Đức Phổ, Mộ Đức.

Chị cho biết, năm ngoái vào khoảng thời gian này, những tiểu thương ở dưới xuôi lên mua tấp nập, đót vừa phơi xong là đã có người hỏi mua. Chị chỉ mua trên 150 mét đót khô nhưng kiếm được gần chục triệu bạc. Tưởng năm nay, giá đót giữ được như năm ngoái, nên từ đầu vụ chị đã đi vay nóng trên 60 triệu đồng để thu mua đót của người dân. Sau khi phơi, bó lại thành thành phẩm được trên 200 mét đót khô. Theo chị nếu bán ở giá này thì chị lỗ trên 20 triệu đồng.

 Khi chúng tôi hỏi, bây giờ nếu có ai mua giá này chị có bán không. Chị lại cười buồn, bán chứ sao không, dù lỗ nhưng cũng vớt vát được ít, để lâu giá hạ dưới 200.000 một mét thì chết nữa. Nhưng khổ nỗi gần nửa tháng nay, đót phơi xong chất đầy quanh nhà mà chẳng có ai đến hỏi mua.

Rời nhà chị Thơm, chúng tôi đến nhà của bà Nguyễn Thị Hương ở đầu cầu Hà Riềng. Bà Hương quê ở Trà Bồng, mấy năm nay lên Tây Trà mở quán buôn bán tạp hoá. Ngày thường bà bỏ hàng nợ cho người dân quanh, đến mùa dân đem đót đến để trừ nợ. Ngoài lấy nợ bà cũng bỏ tiền mua thêm.

Bà cũng là một trong những người thu mua đót nhiều nhất ở Tây Trà, năm nay bà mua trên 250 mét đót khô. Bà cho biết, mua đót rất vất vả, phải chặt, phơi rồi bó, đến mùa thức làm đến 1, 2 giờ sáng là chuyện thường. Nhưng giá hạ, không ai hỏi mua, đến nay đót của bà vẫn còn nằm trên giàn, chưa bán được đồng nào.

Đót chất chật trong nhà.
Đót chất chật trong nhà.
Bà cho biết, mới hôm trước có người vào hỏi đót tưởng họ hỏi mua, ai dè chưa kịp mừng thì họ lại đi ra, không nói giá cả gì hết, chỉ nhìn rồi ra thôi. Bà Hương xót xa: Bán cũng không được mà để cũng không xong, để thì trời mưa ướt là tiêu luôn, mốc hỏng hết. Chuyển về Trà Bồng cũng không được vì tiền xe chở là trên 2 triệu rồi, còn tiền bốc vác, chất lại vào nhà thì còn gì nữa.

Được biết, giá đót năm nay hạ dài là vì đót cũ năm ngoái còn tương đối nhiều, lại thêm năm nay nắng ráo, đót trên Gia Lai cũng được mùa, tràn xuống. Tiểu thương ở Đức Phổ, Mộ Đức có nhiều sự lựa chọn, mua đót ở Gia Lai xuống nên đót Tây Trà ế ẩm.

Giá cả bấp bênh là mối lo ngại lớn của những tiểu thương ở Tây Trà, nhưng hôm nay tiểu thương điêu đứng thì mùa đót sau không biết họ còn dám thu mua đót nữa không. Rồi người dân sẽ ra sao nếu đót rớt giá vì đây là một nguồn thu chính của người dân nghèo Tây Trà trong năm. Nếu địa phương không sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu thì liệu cây đót có rơi vào tình trạng của cây cau trước đây?

Bài, ảnh: Nhị Phương

.