Sơn Hà “đệ nhất” xe con

02:04, 13/04/2010
.

(QNĐT) - Tại một quán cà phê ở thị trấn Sơn Di Lăng, huyện Sơn Hà, thấy tôi “trònt mắt” nhìn người đàn ông “đầu bù xù, chân dép nhựa cũ, áo quần lấm lem bụi đất” mở cửa bước xuống từ chiếc xế hộp láng coóng, trị giá gần nửa tỉ đồng, anh Nguyễn Văn Trọng - Trưởng Ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh thản nhiên: Chuyện nông dân lập doanh nghiệp, mua ô tô con ở đây ước cũng đến vài chục.

Từ thợ sửa xe đạp trở thành ông chủ
Trong căn nhà 2 tầng khang trang nằm ngay ở thị trấn Di Lăng, với thái độ chân tình đến thật thà như vốn có của một nông dân ở miền núi, anh Cao Văn Hiếu (43 tuổi), kể: Là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh em. Quê gốc ở Tịnh Giang (Sơn Tịnh), nhưng năm 1978 cả gia đình dắt nhau lên đây lập nghiệp.

Anh Hiếu và chiếc xế hộp mới tậu trị giá hơn 400 triệu đồng.
Anh Hiếu và chiếc xế hộp mới tậu trị giá hơn 400 triệu đồng.
Dù đấng sinh thành cũng đã cố gắng, thế nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên đến lớp 9 đành phải nghỉ học để mưu sinh và kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hết vào Nam, lại ngược Bắc làm đủ thứ việc, kể cả vào tận bãi vàng ở Quảng Nam để tìm vận may, rồi đến tận vùng núi giáp ranh với Lào để bứt mây rừng về bán. Thế nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ “bỏ vào miệng”. Vì vậy năm 1989, Hiếu quay về lại Sơn Hà.

Theo lời khuyên của cha, Hiếu đăng kí vào học tại Trường cao đẳng sư phạm, hệ 9+3. Không biết có phải những người cầm tinh “con khỉ” ít bao giờ chịu ở yên một nơi, hay vì không “hợp” với nghề cầm phấn nên chỉ làm thầy được vài tháng thì Hiếu bỏ nghề.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hiếu quyết định vay mượn người thân, bạn bè được gần 1,5 cây vàng để vào xã Sơn Hải cùng với một người bạn mở máy xay gạo, kiêm dịch vụ chiếu video.

Anh Hiếu kể: Lúc đó người dân ở đây còn nghèo lắm, nên vé vào cửa ngoài tiền mặt, còn được trả bằng lúa, mì và những sản phẩm cây trồng khác. “Năng nhặt, chặt bị” nên một thời gian sau Hiếu cũng để dành được kha khá.

Sau khi trả tiền nợ vay, năm 1995, anh Hiếu mua miếng đất gần 1 cây vàng ngay thị trấn Di Lăng và chuyển ra "định cư", rồi lập gia đình với nghề mới là sửa xe đạp và nuôi heo.

Từ số tiền dành dụm được, anh Hiếu mua xe công nông để chở hàng; rồi nhận chăm sóc gần 135ha rừng của Dự án Ribic ở xã Sơn Tân. Và hiện nay anh Hiếu đã là ông chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng, với tổng tài sản lên đến vài tỉ đồng.

Không lăn lộn nhiều nghề như anh Hiếu, con đường làm giàu, sắm ôtô của anh Đỗ Nhật Linh, ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ gắn liền với rừng. Vận dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Linh kết hợp nuôi bò, trồng mía, mì… để tạo nguồn thu cho gia đình và có tiền đầu tư cho việc trồng rừng. Ngoài 25 ha cây nguyên liệu, mỗi năm từ rừng anh Linh thu về từ 150-200 triệu đồng/năm.

Tỉ phú miền núi thời @
Thời gian qua nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của T.Ư và địa phương, đời sống mọi mặt của người dân ở huyện miền núi Sơn Hà tuy đã được nâng lên, thế nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, trong đó 12/14 xã, thị trấn của Sơn Hà nằm trong “tốp” nghèo nhất nước.

  Với số lượng ước hiện khoảng 20 chiếc. Sơn Hà không chỉ đứng đầu 7 huyện miền núi, hải đảo mà còn vượt mặt qua nhiều huyện ở đồng bằng của Quảng Ngãi về số lượng ôtô con.
Thế nhưng trong sự khốn khó chung đó, nhờ sự chịu khó, năng động, nhiều nông dân ở huyện miền núi Sơn Hà không những thoát nghèo mà trở nên giàu có, với tài sản hàng tỉ đồng.

Ngoài xây nhà đẹp, mua sắm những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, như: Tivi màn hình phẳng, tủ lạnh... những tỉ phú ở đây còn mua cả ôtô con. Với số lượng ước hiện khoảng 20 chiếc. Sơn Hà không chỉ đứng đầu 7 huyện miền núi, hải đảo mà còn vượt mặt qua nhiều huyện ở đồng bằng của Quảng Ngãi về số lượng ôtô con.

Anh Hiếu, người vừa tậu chiếc xế hộp hơn 400 triệu đồng giãi bày: Đại đa số những người mua ôtô con ở Sơn Hà là để phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán, chứ không phải để khẳng định đẳng cấp, hay chứng minh sự giàu có của mình.

Ngày trước việc làm ăn của người dân địa phương gần như chỉ giới hạn ở trong huyện, nhưng bây giờ thì đã được mở rộng xuống tận các huyện lân cận và cả ngoài tỉnh, với nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó nhu cầu đi lại nhiều, vì thế nếu mua xe con thì việc di chuyển sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn.

Và tuy không nói ra, thế nhưng với số lượng ôtô con không ngừng tăng, người dân Sơn Hà đã và đang chứng minh với nơi khác về sự vươn lên của đất và người nơi đây.

                        Bài, ảnh: Công Hoàng

.