Quảng Ngãi: Nhiều âu lo nuôi tôm chính vụ

10:04, 19/04/2010
.

(QNg) - Mặc dù  đã hơn 1 tháng đi qua nhưng đến nay diện tích mặt hồ đã thả nuôi tôm chính vụ vẫn còn thấp. Người nuôi tôm vẫn rất âu lo trước dịch bệnh, môi trường…

Tiến độ thả tôm nuôi chậm
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp, trong tháng 3.2010, ngoài diện tích hồ nuôi tôm trái vụ vì dịch bệnh phải bỏ hồ trống, còn có 25,85ha diện tích nuôi tôm chân trắng bị dịch bệnh, thiệt hại khoảng 25 triệu con giống. Nguyên nhân chủ yếu là khâu cải tạo và xử lý ao hồ mang mầm bệnh từ các vụ trước không đảm bảo và con giống thì hầu như không rõ nguồn gốc và chất lượng kém.

Xử lý hồ để nuôi tôm.
Xử lý hồ để nuôi tôm.
Cũng do tôm bị dịch, người nuôi tôm phải tốn thời gian xử lý ao hồ nên tiến độ thả tôm nuôi chính vụ bị trễ nhiều so với lịch thời vụ. Đến ngày 10/4 (gần 1 tháng trôi qua so với lịch nuôi tôm) 5 huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ) cũng chỉ thả nuôi được 530ha/668 ha so với kế hoạch.

Cũng theo ngành nông nghiệp, với diện tích mặt hồ nuôi tôm hơn 668 ha thì cần khoảng 700-800 triệu con giống. Thế nhưng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh con tôm giống trong tỉnh chỉ mới đáp ứng chỉ 20 -25% nhu cầu. Số còn lại phải nhập trôi nổi từ các tỉnh bạn vào. Trước thực trạng này, khi bước vào vụ nuôi tôm, Cán bộ thú y thủy sản cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống trên địa bàn; chốt chặn kiểm dịch tôm giống ở hai đầu Bình Sơn và Đức Phổ - nơi nhập con giống ngoài tỉnh vào. Cán bộ nuôi trồng thủy sản cũng đã kiểm tra 33 cơ sở kinh doanh thức ăn cho tôm. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con phải xử lý ao hồ bằng các hóa chất để tiêu diệt sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi; đồng thời khuyến cáo những hộ nuôi tôm nếu hồ tôm mình bị dịch bệnh phải báo cáo cho cán bộ thú y thủy sản kịp thời ngăn chặn,  hạn chế lây lan.

Quá nhiều âu lo
Ông Nguyễn Văn Năm - Trưởng Phòng thú y thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Tuy đã kiểm tra, khuyến cáo các hộ nuôi tôm tuân thủ các kỹ thuật nuôi trồng nhưng vẫn sợ mầm bệnh còn sót lại trong các ao hồ do việc nạo vét, xử lý ao hồ sau khi tôm bị dịch bệnh chưa tốt. Trung tuần tháng 3 anh em trong ngành đã tiến hành đem 2 mẫu tôm bị bệnh của hộ ông Lê Văn Thận và ông Lê Văn Long thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương (Bình Sơn) gửi Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 để phân tích 2 bệnh đốm trắng và taura. Kết quả đều dương tính. Phòng thú y thủy sản đã tham mưu cho Chi cục ban hành văn bản hướng dẫn để có biện pháp khắc phục.

Bước vào vụ nuôi tôm chính với nhiều bất lợi, ngành nông nghiệp cũng đã nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết ,việc thả con tôm giống của bà con xuống hồ vẫn còn quá nhiều điều lo ngại. Lượng giống để đáp ứng nhu cầu cho diện tích thả nuôi từ 700 -800 triệu con tôm giống, trong khi đó toàn tỉnh chỉ có 10 cơ sở sản xuất và kinh doanh tôm giống, chỉ đáp ứng 20 -25% con giống. Số tôm giống còn lại phải nhập từ các tỉnh bạn, mà điểm chốt chặn kiểm dịch ở hai đầu Bình Sơn và Đức Phổ không đủ lực lượng kiểm soát, phương tiện kiểm dịch bằng mắt thường thì không kiểm soát hết. Còn chất lượng con giống ở các cơ sở kinh doanh, sản xuất tôm giống tại địa phương, qua kiểm tra, ngành chức năng kết luận không tốt bằng các năm trước.

Sục khí hồ để tôm phát triển.
Sục khí hồ để tôm phát triển.
Về vấn đề xử lý nguồn nước từ các hồ bị dịch bệnh người dân cũng xử lý chưa đúng quy trình kỹ thuật. Ở một số vùng nuôi tôm do chưa có hệ thống xử lý nước thải, nên người nuôi xử lý theo thói quen là tháo nước ra ngoài cống rãnh hay tháo chảy lai láng ra đường. Đây là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lây lan ra cả vùng. Về  nguồn thức ăn cho tôm, tuy đã được kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra tên danh mục, nhãn mác phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp hay không, còn chất lượng thức ăn thì cũng không rõ.

 Trước tình hình này, ngành chức năng cần tăng cường khuyến cáo hộ nuôi tôm phải xử lý hồ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thả nuôi với mật độ vừa phải chỉ 150con/m2, sử dụng con giống rõ nguồn gốc đã qua kiểm dịch. Trong quá trình nuôi tôm cần phải định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh kết hợp với việc thay và lấy nước vào ao nuôi cho đảm bảo mực nước ao nuôi không dưới 1,2m. Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình nuôi tôm mới hy vọng  vượt qua những điều bất lợi đã xảy ra trong vụ nuôi tôm chính năm nay.

Bài, ảnh: MAI HẠ

.