Miền Trung: Chuyển hướng trồng cao su lên núi

08:04, 21/04/2010
.

Trận bão năm 2009 đã "cướp" hàng ngàn ha cao su tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Để khôi phục những diện tích cao su bị thiệt hại, hiện các công ty đang nỗ lực vượt khó để trồng mới.
 
Tái canh vườn cây bị đổ gãy
 
Ông Huỳnh Đức Tiến, Giám đốc Cty Cao su Quảng Ngãi than thở: Sau hàng chục năm “cóp nhặt” từng mảnh đất, chúng tôi mới phát triển được gần 1.300ha cao su. Một số diện tích bắt đầu cho thành quả thì trận bão đã lấy đi 598ha, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay vấn đề đặt ra là liệu có nên trồng cao su ở những vùng có nguy cơ bão cao không? Theo ông Tiến, nếu không trồng cao su thì biết trồng cây gì có hiệu quả.
 
Cơn bão số 9 năm 2009 đã làm ngã đổ hàng trăm ha cao su.
Cơn bão số 9 năm 2009 đã làm ngã đổ hàng trăm ha cao su ở Quảng Ngãi.
 
Do vậy chúng tôi vẫn quyết định tái canh ở những diện tích cao su đã bị gãy đổ do cơn bão số 9 gây ra. Những vùng bị thiệt hại tập trung chủ yếu ở xã Bình An và Bình Khương, huyện Bình Sơn. Năm trước, ngay sau khi bão gây hại, chúng tôi đã cố gắng tập trung và trồng lại được 31ha. Còn năm nay, mặc dù đến tháng 10 mới vào vụ trồng mới cao su, nhưng với kế hoạch phủ kín toàn bộ diện tích cao su đã bị đổ gãy, ngay từ bây giờ chúng tôi đã chuẩn bị cây giống, đào hố để chuẩn bị trồng.
 
Để giảm bớt chi phí, năm nay những diện tích trồng lại cao su, Công ty Cao su Quảng Ngãi chỉ sử dụng công nhân trong công ty để trồng mà không thuê lao động thời vụ. Tuy nhiên chi phí cho công tác khôi phục vườn cây bị gãy đổ cũng lên tới gần 4 tỷ đồng. Mặc dù phải đi vay vốn để trồng mới nhưng theo ông Tiến, công ty sẽ cố gắng trồng xong trong năm nay.
 
Còn tại Quảng Nam, diện tích cao su bị gãy đổ trong cơn bão số 9 cũng lên tới 456ha chủ yếu tập trung ở huyện Núi Thành. Ngay sau bão Cty Cao su Quảng Nam đã nỗ lực dọn dẹp vườn cây và trồng tái canh được 71ha, còn lại gần 300ha, trong năm nay sẽ tiếp tục trồng lại, theo tính toán do không phải phát quang đất nên suất đầu tư sẽ thấp hơn mức trồng mới. Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Cty Cao su Quảng Nam tính toán: Tính giảm hết các khoản không cần thiết thì mỗi ha cao su trồng tái canh chỉ hết 12 triệu đồng.
 
Chuyển hướng lên núi
 
Một điều dễ nhận thấy là những diện tích cao su của Quảng Nam, Quảng Ngãi bị đổ gãy chủ yếu tập trung tại các huyện đồng bằng, gần biển nên khi bão đổ bộ vào khu vực này đã gây thiệt hại nặng nề. Nhưng đó không có nghĩa là các tỉnh miền Trung sẽ không tiếp tục mở rộng diện tích cao su trồng mới. Ông Nguyễn Duy Phúc cho biết: Hiện nay chúng tôi đã trồng được 3.000ha cao su và phấn đấu tiếp tục mở rộng thêm 2.000ha cao su nữa. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không tiến hành trồng cao su tại những vùng đất gần biển, thoáng gió, mà sẽ trồng ở những huyện miền núi.
 
Những diện tích trồng cao su mới phải ở những vùng thung lũng có núi cao để che khuất gió. Hiện công ty đang tiến hành dự án trồng mới cao su tại hai huyện miền núi Nông Sơn và Hiệp Đức, mỗi huyện sẽ trồng mới khoảng 1.000ha cao su. Dự kiến trong năm nay ngoài tái canh 300ha thì Cty Cao su Quảng Nam sẽ tiếp tục trồng mới 1.000ha cao su và dự kiến năm 2011 diện tích trồng mới là 1.000ha.
 
Ông Huỳnh Đức Tiến - GĐ Cty Cao su Quảng Ngãi thì khẳng định: Nếu có còn đất ở gần biển thì chúng tôi cũng sẽ không mở rộng diện tích cao su vùng này nữa mà sẽ chuyển lên miền núi cao. Trong năm nay chúng tôi chỉ trồng lại tại những diện tích cao su bị gãy đổ với khoảng gần 600ha. Hiện công ty mới có khoảng 1.300ha cao su nên đang cố gắng mở rộng lên 2.000ha.
 
Những diện tích trồng mới trong thời gian tới của công ty sẽ được tiến hành ở xã Tịnh Giang và Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, diện tích khoảng 600ha, là vùng nằm giáp hai huyện miền núi Sơn Hà và Trà Bồng cách biển gần 100km lại được các dãy núi bảo vệ nên hy vọng nếu có bão cũng giảm được cao su đổ gãy.
 
Theo NNVN

.