Hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung: Nối nhịp tương lai

01:03, 19/03/2010
.

(QNg) - Cách đây 3 năm đã có, một cuộc hội thảo mang tên Diễn đàn kinh tế miền Trung diễn ra tại Hội An nhằm trao đổi thông tin, bàn giải pháp, thúc đẩy đầu tư và tìm tiếng nói chung cho nền kinh tế khu vực này mở ra các cơ hội phát triển. Tiến tới hợp tác liên kết, Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Quảng Ngãi trong hai ngày 19-20/3/2010.

Diễn đàn hợp tác VKTTĐMT với chủ đề "Vận hội mới cho sự thịnh vượng" sẽ tập trung thảo luận, thống nhất để trình lên Bộ Chính trị và Chính phủ những cơ chế đặc biệt mang tính đột phá cho VKTTĐMT. Bên cạnh đó đề xuất xây dựng mô hình tổ chức liên kết cho khu vực này nhằm khơi thông những nguồn lực, tiềm năng của vùng, xây dựng hình ảnh tiêu biểu cho sự năng động và trở thành một cộng đồng kinh tế hùng mạnh trong tương lai.

VKTTĐMT trải dài hơn 500km, bao gồm năm tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là một vùng đất giàu tiềm lực. Nhằm thúc đẩy vùng đất này phát triển hàng loạt khu kinh tế (KKT) với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư lần lượt xuất hiện. Khởi đầu là KKT mở Chu Lai (rộng 27.000 ha); tiếp đó là KKT Dung Quất (10.300 ha), Nhơn Hội (10.000 ha) và Chân Mây (1.000 ha). Đặc biệt NMLD đầu tiên của cả nước được đầu tư xây dựng tại KKT Dung Quất (có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD) đã làm cho khu vực này sôi động hẳn lên.
 
NMLD Dung Quất tạo động lực mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển.
NMLD Dung Quất tạo động lực mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển.
 Trong những năm qua, các tỉnh trong VKTTĐMT đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đã có nhiều khởi sắc trong tiến trình phát triển KT-XH. Bình quân các năm gần đây VKTTĐMT đã đóng góp khoảng 36,2% GDP so với cả vùng duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận). Tốc độ tăng GDP giữa các tỉnh, thành phố trong VKTTĐMT không đều, nhưng dao động trung bình từ 10,6% đến 11,5%/năm. So cả nước, ước tính tăng trưởng GDP bình quân của VKTTđMT giai đoạn 2006-2010 tăng khoảng 1,2 lần; tỷ lệ đóng góp trong GDP khoảng 6%; giá trị xuất khẩu bình quân đầu người (tính đến đầu năm 2010) vào khoảng 374 USD; tỷ lệ đô thị hóa giai đoạn này cũng khá cao (42%); số lao động không có việc làm đã giảm xuống dưới 5%; số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) còn khoảng 8,8%...

Có thể khẳng định VKTTĐMT đã và đang tập trung tạo ra được các điểm đột phá về kinh tế, trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Vai trò đầu tàu, trung tâm thương mại, tài chính, giao dịch quốc tế, nối kết hành lang kinh tế đông-Tây và mở đường biển, đường hàng không ra nước ngoài của đà Nẵng ngày càng nổi bật. Huế đã trở thành thành phố Festival. Quy Nhơn từng bước trở thành trung tâm đô thị Nam Trung Bộ, hỗ trợ cho Tây Nguyên vươn lên. Dự án liên hợp lọc-hóa dầu Dung Quất đã đi vào giai đoạn sản xuất. Một điểm mạnh mới khởi đầu từ năm 1998 bước đầu triển khai hiệu quả từ 2005 đến nay là các tỉnh, thành phố miền Trung nói chung, VKTTđMT nói riêng đã từng bước liên kết phát triển kinh tế-xã hội "nội tại" với nhau, dựa theo tinh thần Nghị quyết 39/2004 và Nghị quyết 33/2003 của Bộ Chính trị.

 Tuy nhiên, vốn là vùng có điểm xuất phát về kinh tế tương đối thấp, nên VKTTĐMT vẫn còn đó không ít khó khăn. Cơ chế, chính sách chung đã thoáng hơn nhiều so với trước năm 2000, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Thu hút đầu tư chưa có sự ưu đãi vượt trội nào thật sự hấp dẫn. Trong khi đó các tỉnh, thành phố trong khu vực (do thiếu nhân tài, vật lực, nặng tâm lý "co kéo") hợp tác còn thiếu chiều sâu, chưa hỗ trợ đắc lực cho nhau, kết quả liên kết tuy có, nhưng vẫn còn rời rạc. Ngoài ra, ở tầm vĩ mô vẫn còn bất cập về quy hoạch các phân khu chức năng trong các KKT cho phù hợp tốc độ, điều kiện CNH, HđH và để tạo ra thêm tiền đề phát triển cho các tỉnh, thành phố này. Các địa phương còn "dẫm chân" nhau trong định hướng thu hút đầu tư vào các KKT, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của cả khu vực...

Với mục tiêu cụ thể giai đoạn 2010-2020 là phấn đấu tăng trưởng nhanh và bền vững, giảm bớt khoảng cách so với mức phát triển trung bình của cả nước; có GDP bình quân đầu người bằng hoặc vượt mức bình quân cả nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế; chuyển hóa miền Trung cơ bản trở thành vùng công nghiệp; VKTTđMT đang có nhiều triển vọng đi lên nhanh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nêu trên không ít yêu cầu mới đang đặt ra cho VKTTĐ này. Với cấp tỉnh, thành phố ở VKTTđMT, nên tiếp tục liên kết theo chiều ngang, đa cấp. Với doanh nghiệp giữa các địa phương, nên liên kết theo chiều sâu, chuyên môn hóa theo ngành, lĩnh vực. Các tỉnh, thành phố trong vùng cần hỗ trợ, phân chia lợi ích hợp lý hơn trong việc thu hút vốn FDI. đã đến lúc phải quy hoạch chi tiết và nối kết cho được thế mạnh về biển, kinh  tế biển và đường giáp biển; gắn với tiến trình đó cần cải cách mạnh hơn về thủ tục hành chính, cơ chế điều hành liên ngành, liên địa phương. đồng thời kiên trì thực hiện Nghị quyết 39, Nghị quyết 33, các Quyết định 1018 và 148, theo hướng chú trọng phát triển mạnh các KKT hiện có.

Có thể nói Diễn đàn lần này là dịp để các địa phương cùng xem xét và nhận định lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh của mình để tạo sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong đầu tư phát triển cả vùng hoặc liên vùng. Bên cạnh đó là phối hợp tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành  để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng liên tỉnh, nội vùng; trong đó, cần triển khai sớm đường cao tốc đà Nẵng-Quảng Ngãi. Mong muốn nhất là Chính phủ cần sớm có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho VKTTđMT, để vùng này thực hiện được mục tiêu bứt phá, đuổi kịp các vùng  khác...           
           
                                           H.T

.