Năm 2010: Giá cả xác lập mặt bằng mới

10:01, 03/01/2010
.

Từ năm 2010, giá điện, giá than, nước sạch… sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình theo giá thị trường. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), điều này sẽ tác động đáng kể, đẩy mặt bằng giá tiêu dùng trong năm 2010 tăng lên.

Năm 2010, Chính phủ đặt mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 7%, đi kèm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều sức ép đang gia tăng lên công tác kiểm soát giá cả thị trường năm tới.

“Đánh đố” người tiêu dùng

Theo TS Nguyễn Thị Kim Nhã, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, năm 2009, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng phát của đủ loại cơn sốt giá trên thị trường: từ nhà đất, chứng khoán, vàng, USD đến giá gạo, đường, sữa... Tuy nhiên, bước sang năm 2010, giá cả hàng hóa dịch vụ sẽ diễn biến phức tạp hơn do cộng hưởng bởi hàng loạt yếu tố: hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2009, xu thế tăng giá trên thị trường thế giới, tăng lương cơ bản... “Chưa kể, các cân đối vĩ mô đang xấu đi nhiều, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách quá lớn (6,9% GDP), hệ số sử dụng vốn (ICOR) quá cao, nợ chính phủ và nợ nước ngoài đang tiến tới giới hạn mất an toàn, thanh khoản của hệ thống tài chính ngân hàng thiếu vững chắc… sẽ gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá dịch vụ thông thường năm tới“, bà Nhã nhận định.
 
Nhiều sức ép gia tăng lên công tác kiểm soát giá cả năm tới. Ảnh: Đức Long.
Nhiều sức ép gia tăng lên công tác kiểm soát giá cả năm tới. Ảnh: Đức Long.

Còn theo TS Võ Trí Thành, ngoài những tác động trên, diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa đầu năm 2010 càng thêm “đánh đố” người tiêu dùng, do sự bất nhất của chính cơ quan quản lý trong công tác thống kê dự báo. Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê cách đây không lâu công bố tổng lượng hàng hóa tồn kho năm 2009 của cả nước tăng gấp đôi năm 2008 (4 - 5 % GDP), tức là dư cung rất lớn, người dân không phải lo giá tăng do khan hiếm hàng hóa. Tuy nhiên, cũng theo nhiều tài liệu thống kê khác của chính cơ quan này, hàng tồn kho năm 2009 đã hết, tức nguồn cung sẽ bị thiếu hụt, tất yếu ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng đầu năm 2010.

Không để tăng giá bất hợp lý

Hiện, điều khiến người dân quan tâm là giá một số hàng hóa, dịch vụ: điện, than, nước sạch... đang rập rình tăng vào năm 2010 cũng sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, mặc dù thả theo cơ chế giá thị trường nhưng cơ quan quản lý sẽ không để xảy ra hiện tượng “neo giá” (giá tăng cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới) và tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường,“chạy chính sách” vì lợi ích của ngành độc quyền.

Để đối phó với mặt bằng giá cả năm tới dự kiến sẽ tăng cao hơn mức 6,88% của năm 2009, theo bà Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Phân tích dự báo giá cả Thị trường, Viện nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả, thuận lợi là Chính phủ và các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hơn, có tiềm lực kinh tế hơn khi triển khai các giải pháp giữ ổn định thị trường. “Vì vậy, các mục tiêu lạm phát, tăng trưởng… năm tới hoàn toàn có thể đạt được mà không nhất thiết phải dùng đến các biện pháp mang tính cấp bách, tình thế như gói kích thích kinh tế năm 2009”, bà Thụy nói. Tuy nhiên, sau bài học của năm 2009, theo bà Thụy, quan trọng là không để sức ép về tăng trưởng làm điều hành chính sách thiếu linh hoạt và không đúng thời điểm.

TS Nguyễn Đình Ánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả cho rằng, nếu tính quy luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010, kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý, CPI cả năm có thể ở mức một con số. “Nếu một trong các điều kiện trên không đảm bảo, lạm phát sẽ tăng cao trở lại, CPI năm tới có thể lên tới 12 - 15%”, ông Ánh nhận định.

Theo Đất Việt


.