Nạn phân bón giả: “Rút ruột” nông dân mỗi năm trên 2.400 tỷ đồng

09:12, 04/12/2009
.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Cục Cảnh sát điều tra kinh tế - Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất- Bộ Công Thương và Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn vừa tiến hành ký kết “Thỏa thuận hợp tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón”.
 
Đây được xem là biện pháp phối hợp đồng bộ và kịp thời thực hiện tốt hơn trong công tác chống sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón giả.

Gần 80% lượng phân bón bị làm giả
 
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ
Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay cả nước có tới trên 60 cơ sở sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Kết quả kiểm tra chất lượng phân bón từ đầu năm 2009 đến nay cho thấy, trên 40% số mẫu kiểm tra không đạt chất lượng. Đa số phân bón kém chất lượng đều là NPK, do có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn, nên dễ làm giả và bán với giá rẻ hơn.
 
Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng mỗi năm làm thiệt hại cho nông dân hàng ngàn tỷ đồng. Riêng 9 tỉnh vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đã thiệt hại tới 230 tỷ đồng mỗi năm do mua phải phân bón kém chất lượng, chưa kể thiệt hại do mua phải phân bón giả.

Ông Nguyễn Tiến Toát- Phó Tổng giám đốc Công ty phân bón Việt Nhật- cho rằng, trong tổng số 8 triệu tấn phân bón Việt Nam sử dụng mỗi năm, chỉ có hai triệu tấn ure là ít có khả năng làm giả, 6 triệu tấn còn lại trong tình trạng thật giả lẫn lộn. Theo tính toán với giá từ 2-10 triệu đồng/tấn phân bón tùy theo từng chủng loại, nếu chỉ cần làm giảm 10% chất lượng thì với 6 triệu tấn phân bón có thể làm giả, số tiền “chảy” vào túi các đối tượng làm giả đã lên tới 2.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính của thực trạng trên một phần là do thủ tục cấp phép để sản xuất và kinh doanh phân bón quá dễ dàng. Một phần khác là do nông dân cứ thấy giá rẻ là mua mà chưa quan tâm nhiều tới chất lượng. Năm 2008, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá phân bón đã có những biến động tăng cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất phân bón nhỏ lẻ với công nghệ thô sơ phát triển. Các cơ sở này đã đưa ra thị trường những sản phẩm phân bón không đảm chất lượng, nhái nhãn mác của các đơn vị có uy tín, thậm chí là đưa phân bón chưa được lưu hành ra bán để kiếm lời bất chính. Có những cơ sở sản xuất trên giấy phép tổng hàm lượng dinh dưỡng đăng ký là 53%, nhưng khi kiểm tra chỉ là 2,99%.

Ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc Công ty TNHH phân Hữu cơ cũng cho biết, hiện nay có tình trạng các phòng phân tích trong cùng một mẫu đã đưa ra kết quả hoàn toàn khác nhau, làm cho nông dân rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả, nhiều nông dân đã chuyển sang tự chế biến, hạn chế mua phân bón do các nhà máy sản xuất…

Hợp tác “xóa sổ” những cơ sở làm phân bón giả

Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây tác hại đến sản xuất nông nghiệp mà còn đến tâm lý tiêu dùng. Nông dân nhiều địa phương hoang mang, lo ngại trước nạn phân bón giả, kém chất lượng. Việc đưa tạp chất có hại vào phân bón, ngoài việc làm hại đất (đất màu mỡ thành bạc màu, hủy diệt vi sinh vật có lợi), còn gây hại trực tiếp cho cây trồng, sức khỏe con người... thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy- Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, cần sớm ban hành tiêu chuẩn về tên phân bón. Bởi nếu sản xuất phân bón chỉ đạt 10% so với tiêu chuẩn cũng quy vào là phân kém chất lượng như khi đạt 90% với mức xử phạt như nhau thì chẳng ai dại gì mà sản xuất phân 90%. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm đang có chiều hướng gia tăng là do các chế tài chưa đủ mạnh. Hiện nay mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là vài chục triệu đồng, trong khi chỉ một mẻ phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trót lọt, doanh nghiệp có thể thu lợi cả tỷ đồng...

Trong buổi ký kết thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng chống việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả giữa các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và Hiệp hội Phân bón, nhiều ý kiến cho rằng sẽ không hiệu quả nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt chưa đủ mạnh, không “xóa sổ” được những đơn vị, cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ra khỏi thị trường. Để loại dần phân bón giả khỏi thị trường, cần phải có pháp lệnh, thậm chí có thể phải soạn thảo cả luật để xử phạt. Bên cạnh đó, trong việc chống vấn nạn này thì lực lượng Công an cần đi đầu, có phương tiện làm việc và có đủ các văn bản pháp lý để dựa vào đó thực thi.
 
Ngoài ra, Bộ Công Thương, mà trực tiếp là lực lượng quản lý thị trường, thanh tra phải đón lõng, triệt tiêu nạn phân bón giả. Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự thảo Nghị định mới, mức xử phạt hành chính đối với hành vi nêu trên có thể lên tới 100 triệu đồng. Dự thảo hiện đang được chỉnh sửa và sẽ trình Chính phủ vào giữa tháng 12/2009.

Theo Công thương


.