Công nghiệp Quảng Ngãi sau 20 năm tái lập tỉnh: bứt phá... ngoạn mục

03:07, 03/07/2009
.
Sự kiện NMLD Dung Quất cho ra mẻ dầu đầu tiên vào cuối tháng 2/2009 không chỉ là cột mốc đánh bước khởi đầu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam mà còn là dấu son đánh dấu chặng đường phát triển mới của tỉnh Quảng Ngãi.
 
 Cảng nước sâu Dung Quất là lợi thế để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển gắn với cảng biển.
Cảng nước sâu Dung Quất là lợi thế để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển gắn với cảng biển.
Có mặt tại sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Khối phấn khởi cho biết: Công trình NMLD Dung Quất hoàn thành, đi vào vận hành đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đồng thời làm tăng tính hấp dẫn của Khu Kinh tế Dung Quất trong mắt các nhà đầu tư.

Chính vì thế, kể từ ngày NMLD số 1 được tái khởi động đã "kéo" hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn vào KKT Dung Quất. Đến cuối năm 2008, tại KKT Dung Quất đã có 113 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, 44 dự án được cấp chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 10,5 tỷ USD. Hiện đã có 44 dự án hoàn thành và 33 dự án đang triển khai xây dựng.

Ngay tại Dung Quất, dự án công nghiệp nặng 100% vốn nước ngoài (FDI) do  Tập doàn Doosan Hàn Quốc đầu tư vừa hoàn thành chỉ sau 2 năm xây dựng không những khắc thêm dấu son cho công nghiệp Quảng Ngãi mà tổ hợp cơ khí chế tạo hiện đại và lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm này còn đặt nền móng cho sự phát triển ngành cơ khí chế tạo trong nước, với những sản phẩm "made in Vietnam" đưa ra thị trường thế giới. Ngay trong năm đầu hoạt động, giá trị sản xuất của Doosan Vina sẽ đạt khoảng 200 triệu USD và dự kiến đến năm 2013, giá trị sản xuất của công ty sẽ đạt đến 800 triệu USD.

Cũng tại KKT được đánh giá là hiệu quả nhất cả nước, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất thuộc diện "sinh sau, đẻ muộn" của ngành đóng tàu (thành lập vào năm 2005) nhưng đơn vị này đang dần trở nên đậm nét trên bản đồ của ngành đóng tàu Việt Nam. Với bước phát triển nhanh, đây sẽ là trung tâm đóng tàu lớn nhất miền Trung chỉ trong một vài năm đến. Ông Cao Thành Đồng-Tổng Giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất cho biết: Mặc dù "vừa đầu tư, vừa sản xuất" song là đơn vị được đầu tư xây dựng mới nên nhà máy đóng tàu Dung Quất được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đồng bộ nhất so với các nhà máy đóng tàu trong nước, khi hoàn thành hai giai đoạn đầu tư, công suất đóng tàu của nhà máy sẽ đạt từ 2-2,5 triệu tấn/năm, trong đó có thể đóng tàu trên 300 nghìn tấn. Dự kiến, trong tháng 6 này, công ty sẽ cho hạ thủy con tàu chở dầu 104.000 tấn-con tàu có trọng tải lớn nhất đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam.

Trong khi đó, các KCN của tỉnh cũng tạo dấu ấn trong thu hút các dự án công nghiệp khi "hút" 74 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 3.210 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt trên 1.300 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Quảng Ngãi của Tổng Công ty Rượu Bia Sài Gòn có vốn đăng ký 1.580 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh. Đây sẽ là 1 trong 4 trung tâm sản xuất bia trong cả nước.

Những con số khô khan nêu trên càng ấn tượng hơn nếu nhìn lại bước khởi đầu cách đây 20 năm, năm 1989 khi tỉnh được tái lập. Trên nền của một tỉnh vừa được tái lập, Quảng Ngãi cơ bản vẫn là một tỉnh thuần nông. Ông Nguyễn Đức Hoài-Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay: Công nghiệp Quảng Ngãi những năm đầu thập niên 1990 chủ yếu dựa vào Nhà máy Đường, Nhà máy cơ khí An Ngãi, hay các Xí nghiệp hóa chất, khai thác-chế biến khoáng sản... Nhưng cộng dồn lại, tỷ trọng ngành công nghiệp chỉ chiếm hơn 16% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong khi giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp vào thời điểm đó chiếm gần 57%.

Nỗ lực đi lên, được sự quan tâm của Chính phủ trong việc đầu tư cụm công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước ngay tại Dung Quất để tạo sức bật cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cùng với quyết tâm thoát khỏi tỉnh nghèo và trở thành tỉnh công nghiệp, Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVI, XVII đã ban hành Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII xác định phát triển công nghiệp là một trong hai nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2005-2010.

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, cùng với KKT Dung Quất, Quảng Ngãi đã quy hoạch, phát triển các Khu công nghiệp Quảng Phú (thành phố Quảng Ngãi), Tịnh Phong (Sơn Tịnh), Phổ Phong (Đức Phổ) và 18 cụm công nghiệp-làng nghề ở các huyện, thành phố để hình thành "thế chân vạc" cho công nghiệp tỉnh nhà. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút gần 40.000 lao động. Nhờ đó, nếu như trong 15 năm đầu sau ngày tái lập tỉnh, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh chỉ nhích lên từng bước một thì trong vòng 5 năm trở đây, ngành công nghiệp đã có những cú bứt phá ngoạn mục với mức tăng trưởng bình quân hằng năm từ 18-20%. Đến năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 2.000 tỷ đồng, đưa tỷ trọng công nghiệp của tỉnh lên 38,1%.

Đặc biệt trong năm 2009, khi NMLD Dung Quất cùng với Công ty TNHH Công nghiệp Doosan Việt Nam đi vào hoạt động (riêng NMLD Dung Quất mới hoạt đôïng 40% công suất), giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng sẽ có bước nhảy vọt, tăng 121-122% và cao gấp 3-3,5 lần so với năm 2008, đưa tỷ trọng công nghiệp của Quảng Ngãi lên khoảng 46-47%.

Suốt chặng đường 20 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, đặc biệt trong vòng 5 trở lại đây, Quảng Ngãi được xem là giai đoạn đặt nền móng, thu hút mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển nhanh để trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển ở khu vực miền Trung. Mục tiêu này đang dần trở nên hiện thực, bởi chỉ tính riêng NMLD Dung Quất khi đi vào sản xuất ổn định sẽ cho doanh thu dự kiến khoảng trên 55.000 tỷ đồng. Nhờ đó, ngay trong năm 2010, tỷ trọng công nghiệp trong GDP của tỉnh sẽ "nằm" ở khoảng 62-63%, để chính thức trở thành tỉnh công nghiệp.

Với sự hình thành và phát triển của cụm công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, đóng tàu biển, chế biến thực phẩm... cùng các ngành công nghiệp phụ trợ, chắc chắn sẽ đưa công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững và trở thành điểm sáng công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 
Bài, ảnh: H.T
                 

.