Thực hiện Quyết định 497 về kích cầu nông thôn: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

09:06, 15/06/2009
.
Quyết định 497 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội là chính sách tích cực giúp nông dân. Nhưng để đủ điều kiện vay vốn thì không phải ai cũng đáp ứng được.

 

 Cơ giới hoá là động lực để kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Cơ giới hoá là động lực để kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Trợ lực cho nông dân thoát nghèo

Theo Quyết định 497, các khoản vay ngắn, trung hạn bằng đồng Việt Nam đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất chế biến nông nghiệp và máy vi tính sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất/ tổng mức vay; vật tư nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất 4% và số tiền vay không quá 7 triệu đồng/ha; mua vật liệu xây dựng nhà ở được hỗ trợ 4% nhưng số tiền không quá 50 triệu đồng.

 

Thời hạn cho vay 24 tháng và 12 tháng. Đây là chủ trương sát hợp của Chính phủ  nhằm giúp nông dân mạnh dạn đầu tư; khuyến khích hàng hóa sản xuất trong nước phát triển... Tuy nhiên theo nông dân thì mức hỗ trợ lãi suất 4%/trên tổng mức vay 7 triệu đồng/ha là không đáng kể. Và một khi thủ tục rườm rà như hiện nay sẽ làm nản lòng nông dân, và họ sẽ chấp nhận vay bên ngoài. Bởi vì vật tư nông nghiệp người dân mua theo thời vụ và gối vụ ở các đại lý thuận tiện hơn.

 

Thêm vào đó mức vay 50 triệu đồng mua vật liệu làm nhà ở khu vực nông thôn với thời gian tối đa 12 tháng, thì nông dân nghèo không có khả năng hoàn vốn đúng hạn. Ngoài ra khi mua máy móc yêu cầu phải có chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa để bổ sung thủ tục vay vốn là điều khó thực hiện, vì lâu nay người dân mua bán theo phương thức hàng trao tay...

 

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho nông dân

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, sau gần 1 tháng triển khai Quyết định 497, tỉnh ta chưa có đồng vốn nào được giải ngân. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân là nhiều nông dân còn nợ NH (từ cuối năm 2008 về trước), chưa có khả năng trả, hoặc mới vay hỗ trợ lãi suất trong 8 tháng, nên không thể tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất trong 24 tháng. Bà Huỳnh Thị Dung ở Sơn Tịnh cho biết: Nghe có chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân tôi cũng mừng, nhưng muốn vay vốn mới với lãi suất ưu đãi thì phải trả nợ cũ 15 triệu đồng mà tôi đã vay đầu tư chăn nuôi. Giờ heo, bò chưa lớn, lại đang cần tiền để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nhưng biết tìm nguồn vốn ở đâu mà trả nợ cũ để vay mới?

 

Theo lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh thì, Quyết định 497 chủ yếu hỗ trợ nông dân khu vực nông thôn, nhưng đa số họ đã có hợp đồng tín dụng với NH và việc tháo gỡ vấn đề này vô cùng khó khăn. Bởi vì muốn vay mới, người dân phải trả nợ NH và tránh chuyện đáo nợ. Nếu người dân "vay nóng" bên ngoài để trả nợ cũ trong thời gian chờ NH giải ngân mới, thì lãi suất cao, nên họ không dám vay. Để quyết định trên nhanh chóng đến với nông dân thì cần có sự hợp lực giữa các ngành chức năng vàø Chính phủ nên có những cơ chế linh hoạt trong giải ngân vốn.

 

Trước đây, tỉnh ta cũng có chủ trương hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; đã có nhiều người được vay tiền mua máy băm, máy gặt... Nhưng nay đa phần người dân tự huy động vốn trong gia đình để mua máy móc, vì thủ tục mua máy linh hoạt, nhanh, gọn hơn hình thức vay tiền hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để mua máy móc... Anh Đỗ Thức - một nông dân ở xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) vừa mua chiếc máy làm đất 21,5 triệu đồng, cho biết: Mình cũng muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua máy lắm chứ, nhưng thấy thủ tục, giấy tờ vay tiền quá rườm rà. Đã vậy người dân phải mua hàng sản xuất trong nước, mà nông dân chúng tôi không ưng ý loại hàng này thì làm sao mua được? Hơn nữa, khi vay vốn mình cũng phải thế chấp tài sản mới được vay. Thế thì mình huy động anh em mua máy về làm cho sớm...

 

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định 497 về hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp..., các hộ nông dân cho rằng, các ban, ngành ở tỉnh cần sớm đề xuất với Chính phủ nới lỏng các điều kiện cho vay, các thủ tục vay vốn, để nông dân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội...

Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.