Cánh đồng 50 triệu ở xã Bình Dương

08:06, 15/06/2009
.
Phát huy tiềm năng về lợi thế đất đai, kinh nghiệm sản xuất, người dân xã Bình Dương (Bình Sơn) đã và đang xây dựng một số mô hình trồng trọt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

 

Trạm khuyến nông Bình Sơn hướng dẫn mô hình trồng rau an toàn cho nông dân xã Bình Dương.
Trạm khuyến nông Bình Sơn hướng dẫn mô hình trồng rau an toàn cho nông dân xã Bình Dương.
Tổng kết năm 2008, ở Bình Dương thu nhập bình quân trên một hecta sản xuất cây lúa đạt trên 54 triệu đồng, cây rau màu đạt trên 77 triệu đồng. Kết quả này cho thấy trên cùng một đơn vị diện tích, sản xuất cây rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất cây lúa bình quân từ 20 đến 40 triệu đồng.

 

Đến nay xã Bình Dương có 6 mô hình luân canh và xen canh có hiệu quả. Trong đó có những mô hình cho giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/hecta/năm như, mô hình cây đậu phụng đông xuân xen cây ớt vụ hè thu (đạt 140 triệu đồng/hecta). Cây bí đông xuân luân canh vụ lúa hè thu (đạt 120 triệu đồng/hecta/năm). Mô hình trồng rau cả năm đạt 105 triệu đồng/hecta.

 

Ở xã Bình Dương gia đình anh Nguyễn Đừng (ở thôn Mỹ Huệ 3) là hộ trồng rau màu cả năm đạt hiệu quả cao. Anh đừng được Trung tâm hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp Dung Quất chuyển giao kỹ thuật trồng rau che lưới. Áp dụng mô hình này, anh đã sản xuất nhiều loại rau khác nhau. Mỗi năm anh đừng thu lãi trên 40 triệu đồng từ trồng rau, màu. Vụ đông xuân thì tôi trồng su su, bí các loại, đến vụ hè thu thì tôi trồng rau. Ở đây không ai trồng rau màu từ giống ở địa phương và canh tác theo cách cổ truyền, mà tất cả các hộ sử dụng những giống cho năng suất cao - anh Đừng chia sẻ kinh nghiệm.

 

 Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Bình Dương không phải là việc làm tự phát của nông dân mà có chiến lược cụ thể được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ, Hội đồng nhân dân xã và Nghị quyết đại hội đại biểu xã viên. Xã không khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau màu, mà khuyến khích áp dụng mô hình luân canh mới.

 

Chân ruộng lúa nào cao ráo, trồng được các giống rau, màu cho năng suất cao, thì áp dụng để có hiệu quả kinh tế. Điều này được thể hiện trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2009 là, tăng nhẹ diện tích trồng lúa, những cây trồng mang lại thu nhập cao như cây ớt, bí các loại đều tăng diện tích so với năm trước. Ông Bạch Hùng - Phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Bình Dương cho biết "Hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tùy theo thế chủ động về nước tưới và chân ruộng. Thực tế cho thấy nếu bà con tiếp thu khoa học kỹ thuật và thị trường thì trồng rau, màu đạt giá trị cao hơn so với trồng lúa".

 

 Người dân xã Bình Dương có kinh nghiệm trồng rau màu lâu đời, nhờ sự ưu đãi của tự nhiên cộng với sự nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp mà người dân đã làm giàu trên mảnh đất của mình. Họ không độc lập sản xuất mà có sự tham gia hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp và cơ quan chuyên môn.  Nông dân  xã Bình Dương đã hạn chế đến mức tối thiểu thất bại do thời tiết, sâu bệnh và tình trạng được mùa mất giá. Đến nay toàn xã đã có trên 28% tổng diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa. Từ những chân ruộng được dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân trồng cùng một giống rau màu, nông sản thu được cùng lúc nên tạo điều kiện thuận lợi cho tư thương thu mua. Người dân đã biết cách sản xuất đại trà nên không còn diễn ra tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.      

 

Khu Kinh tế Dung Quất thu hút hàng ngàn lao động đến làm việc, đây cũng là thị trường tiêu thụ rau, củ, quả với số lượng lớn. Trong khi đó ở huyện Bình Sơ chỉ có xã Bình Dương là cung ứng nguồn rau, củ, quả ổn định cho thị trường này. Ngoài thị trường nội tỉnh, nguồn rau, củ, quả ở Bình Dương còn được tiêu thụ ở tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Xã Bình Dương đã trở thành nơi cung ứng nguyên liệu ớt để chế biến sản phẩm cho các nhà máy ở Quảng Nam và Bình Định, vì vậy cây ớt bán có giá và đầu ra ổn định, nên diện tích trồng ớt tăng liên tục.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Trạm khuyến nông Bình Sơn cho biết: "Xã Bình Dương có sự ưu đãi là đất đai bằng phẳng, có phù sa sông Trà Bồng bồi đắp, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển đổi cây trồng hợp lý, nên việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế cao".

 

Việc chuyển đổi cây trồng đã giải quyết được lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, giảm nghèo, hình thành các vùng chuyên canh. Sự thành công của mô hình này xuất phát từ công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch và chỉ đạo điều hành sản xuất từ huyện đến cơ sở. Với những kết quả đạt được tương đối bền vững trong nhiều năm qua, mô hình luân canh, xen vụ của người dân xã Bình Dương hứa hẹn thúc đẩy kinh tế nông thôn trong tỉnh phát triển.

Bài, ảnh: Thu Sương

 

 


.