Ngô lai 30Y87: Sự mong chờ của những cánh đồng khô hạn

09:05, 18/05/2009
.
Nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh ta có diện tích trồng ngô vào loại nhất nhì trong vùng. Thế nhưng một trong những nguyên nhân mà cây ngô chưa phát triển xứng tầm địa phương là do hạn hán, thiếu nước. Giống ngô lai 30Y87 được trồng khảo nghiệm ở tỉnh ta đã đáp ứng được điều này.

 

Ngô

Giống ngô lai 30Y87 được người dân Bình Chương ưa chuộng, bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, sản xuất ngô ở tỉnh ta không ngừng tăng lên cả về diện tích và năng suất, nhờ sử dụng nhiều giống lai trồng trọt. Nếu như năm 2006 diện tích trồng ngô ở Quảng Ngãi chỉ có khoảng 10 nghìn ha, năng suất đạt khoảng 49,4 tạ/ha, sản lượng đạt 50 nghìn tấn, thì đến năm 2008 diện tích trồng ngô tăng lên gần 12 nghìn ha, năng suất đạt 50,2 tạ/ha và cao hơn năng suất trung bình cả nước 27%. Tuy nhiên hiện nay, bộ giống ngô lai có năng suất cao và chịu hạn còn rất ít, nên việc nghiên cứu, tuyển chọn giống ngô có năng suất cao, chịu hạn để bổ sung vào cơ cấu giống phục vụ sản xuất là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 

Do vậy Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng miền Trung-Tây Nguyên (Trung tâm) đã nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển nhiều giống ngô mới. Trong đó có thể nói 30Y87 là 1 trong 4 giống ngô triển vọng, vì chịu hạn và ít nhiễm sâu bệnh, thích hợp sản xuất tại Quảng Ngãi. Đây cũng là giống ngô được Bộ NN&PTNT công nhận Quốc gia vào tháng 11/2008.

 

 

Giống ngô lai 30Y87 do Công ty Dupont (Mỹ) chọn tạo, được Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất thử năm 2007. Giống ngô này thích nghi rộng có thể trồng được quanh năm, có thời gian sinh trưởng từ 93-105 ngày, với năng suất trung bình 85,5 tạ/ha (cao nhất đạt 110 tạ/ha), cao hơn giống đối chứng C919 và nhiều giống ngô khác. Chiều cao cây trung bình khoảng 230,2 cm, 1 bắp có từ 14-16 hàng hạt/bắp, hạt có dạng bán răng ngựa, màu vàng cam, tỷ lệ hạt/bắp là 72,7%. Cây ngô ít nhiễm bệnh khô vằn, bệnh rỉ sắt; đặc biệt là chống đổ và chịu hạn tốt.

 

Vụ đông xuân 2008-2009, giống ngô lai này được trồng trình diễn tại HTX NN Bình Chương I và II, trên diện tích 4 ha (với 48 hộ tham gia mô hình). Anh Bùi Văn Thành-Xóm 3, thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương cho biết: "Với 2 sào ngô lai trồng trình diễn, tôi thấy so với các giống ngô khác thì 30Y87 là giống chịu hạn, ít khô lá chân, trái to, ít bị sâu bệnh. Năng suất vụ này ước đạt khoảng trên 50 tạ/ha". Anh Thành là hộ gắn bó lâu năm với nghề trồng ngô, đây là lần đầu tiên anh trồng loại ngô 30Y87 này.

 

Với anh Võ Đình Tín (ở xóm 3, thôn Ngọc Trì) thì trồng giống ngô này nhẹ lượng phân bón hơn. Đầu vụ thời tiết khắc nghiệt, nhưng cây Ngô lai 30Y87 ít chịu ảnh hưởng. Những người nông dân này nhẩm tính, trồng trong 3 tháng, 1 sào ngô thu bán được khoảng 4 tạ, thu về 1,6 triệu đồng với giá ngô là 3-4 nghìn đồng/kg, trừ chi phí người dân có lãi khoảng 1,2 triệu đồng. Như vậy cây ngô không chỉ cho lợi nhuận cao hơn hẳn cây lúa, mà còn giúp đất có thể phục hồi các chất dinh dưỡng, trồng được trên cả những chân đất thiếu nước.

 

Với giống ngô lai 30Y87, bộ lá cây xanh bền cho đến khi thu hoạch, nên người dân không chỉ lấy hạt mà còn tận dụng lá cây làm thức ăn trong chăn nuôi. Anh Nguyễn Quang Trung-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Sơn-cho biết: Riêng ở huyện Bình Sơn diện tích trồng ngô khoảng 800 ha, trong đó có hơn 100 ha đất chuyển từ trồng lúa (kém hiệu quả do thiếu nước) sang trồng ngô, tập trung ở các xã: Bình Chương, Bình Thanh Đông, Bình Thanh Tây, Bình Khương... Thạc sĩ Trần Văn Mạnh-Phó giám đốc Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón miền Trung Tây Nguyên cho biết: "Nhiều năm qua, Trung tâm đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất thử các giống ngô có triển vọng như: 30Y87, VN2, Bạch Ngọc, T7... Thời gian đến trung tâm sẽ nhân rộng các giống ngô trên để sản xuất đại trà trong tỉnh". Ngô là loại cây có công dụng đa dạng, vừa là cây lương thực quan trọng, vừa cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, thích hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì dễ trồng, dễ tiêu thụ và có thể trồng tận dụng trên những chân đất thiếu nước. Việc nhân rộng các giống ngô lai có chất lượng cao ở tỉnh ta, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xoá đói, giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phương Trà


.