Lúa BC 15: Từng bước khẳng định trên đồng đất Quảng Ngãi

01:05, 06/05/2009
.

  Cán bộ kỹ thuật đang giới thiệu về giống lúa BC 15 tại xã Bình Chương (Bình Sơn). 

Những năm qua, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng miền Trung-Tây Nguyên đã thu thập và đưa vào khảo nghiệm hàng trăm giống lúa mới tại các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó BC15 được đánh giá là giống lúa tốt và có nhiều triển vọng. Giống lúa BC15 cũng đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống quốc gia. 

 

 

Giống lúa BC15 do kỹ sư Đặng Tiểu Bình (ở Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình) chọn tạo, được Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình mua lại bản quyền và chọn lọc. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 120-130 ngày (vụ đông xuân) và 118 ngày (vụ hè thu). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là giống lúa có nhiều ưu điểm như: Cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ, chịu rét, chịu chua trũng, chống chịu các loại sâu bệnh khá (đặc biệt là rầy nâu), khả năng thích ứng rộng, hạt gạo trong, cơm dẻo, vị đậm; năng suất lúa trung bình ước đạt 60-65 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70-75 tạ/ha/vụ.

 

Vụ đông xuân năm 2008-2009, Trung tâm đã kết hợp với Công ty CP giống cây trồng Thái Bình đưa vào khảo nghiệm sản xuất thử 1,8 ha giống lúa BC15, với 23 hộ tham gia tại HTX NN Bình Chương 2; thời gian gieo sạ từ 27-28/12/2008; mật độ gieo sạ là 80kg/ha. Ông Ngô Minh Ánh-Chủ nhiệm HTX NN Bình Chương 2 cho biết: "Vụ đông xuân 2008-2009 đầu vụ mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, trong đó có mô hình đã triển khai, nền nhiệt độ thấp đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lúa ở thời kỳ cây con. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, kết quả sơ bộ mô hình cho thấy, năng suất dự kiến đạt 90 tạ/ha, vượt giống đối chứng là 25,2%". Theo số liệu khảo nghiệm VCU tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ, giống BC15 đã được đánh giá là thích hợp sản xuất vụ đông xuân và hè thu trên các chân đất thấp tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Qua gần 4 tháng trồng thử nghiệm, chị Võ Thị Luyện (31 tuổi)-một hộ dân tham gia mô hình, ở thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn cho biết: "Nhà tôi trồng 1,5 sào lúa giống BC15 (tổng diện tích trồng lúa là 7 sào). So với các giống lúa khác, giống lúa BC15 rất dễ làm, qua nhiều đợt mưa thì thấy ít bị đổ ngã hơn các giống lúa thông thường". Còn anh Nguyễn Phú Tình (55 tuổi)-một hộ dân tham gia mô hình thì nhận xét: "Với 2 sào lúa BC15 (tổng diện tích trồng lúa là 4 sào) trồng thử nghiệm, tôi thấy so với các giống lúa thường thì trồng giống lúa BC15 nhẹ phân và nhẹ công hơn".

 

Thạc sĩ Trần Văn Mạnh-Phó giám đốc Trung tâm cho hay: "Trong hàng trăm giống lúa mới được chúng tôi đưa vào khảo nghiệm tại miền Trung và Quảng Ngãi, thực tế cho thấy, giống lúa BC15 sinh trưởng và phát triển khỏe, thích nghi tốt với điều kiện sinh thái tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên bà con cũng cần chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn cho cây lúa. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất thử giống lúa này tại các vùng khác nhau của tỉnh". Một thực tế dễ nhận thấy, lâu nay do đất đai manh mún, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nông dân nghèo, nên ít đầu tư thâm canh, thiếu giống tốt để phục vụ sản xuất... Các cơ cấu giống lúa đang sản xuất phổ biến tại tỉnh ta chủ yếu là các giống lúa thường, có nhiều giống đã bị thoái hóa, nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn, nên năng suất không cao và bấp bênh. Do vậy tìm những giống lúa tốt, có năng suất, chất lượng cao để từng bước thay thế dần giống cũ là việc cần làm. Bên cạnh giống lúa PC15, còn có nhiều giống lúa chất lượng cao khác đang được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh ta như: Bio 404 (của Công ty Bioseed Việt Nam), PAC 807 (của Công ty giống cây trồng miền Nam)... Hy vọng trong thời gian đến, những giống lúa này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh ta, để góp phần đưa Quảng Ngãi thực hiện được nền nông nghiệp bền vững, sản xuất tập trung mang tính hàng hóa.

                       Bài, ảnh: Phương Trà

     


.