Làm giàu trên vùng đất gò đồi

09:05, 04/05/2009
.

Với nước da ngăm đen, nụ cười tươi thường trực trên môi, ai đã tiếp xúc với chị Ba đều có cảm tình. Chị kể: "Năm 1992, sau khi được Nhà nước cấp 4.000m2 đất sản xuất, vợ chồng tôi canh tác làm ăn nhưng cái đói,  nghèo cứ đeo bám. Đến năm 2000, phong trào làm kinh tế trang trại phát triển mạnh, tôi bàn với chồng thuê đất gò đồi hoang hóa để làm kinh tế". Trước quyết định "táo bạo" của vợ, chồng chị cũng hơi do dự nhưng rồi cũng xuôi theo và 8.000m2 đất gò hoang được anh chị nhận về. Không chỉ dừng ở đó, chị còn thuê thêm 2.000m2 đất canh tác, nâng tổng số diện tích đất của chị lên 14.000m2. Có đất trong tay, anh chị không vội làm ngay mà tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do địa phương tổ chức. Với diện tích 8.000m2 đất gò đồi hoang hóa, anh trồng cây ăn quả các loại như: Nhãn, ổi, mãng cầu..., đào ao thả cá, dựng chuồng nuôi bò, heo, làm trại nuôi gà. Diện tích đất canh tác còn lại, anh chị quyết định trồng mía, mì và lúa.

 

 Anh Tùng và những con heo rừng lai tại trang trại.   

Nhờ mô hình vườn, ao, chuồng khép kín, trong năm 2004, anh chị đã thu về hàng chục triệu đồng. Nhấp ngụm trà nóng, anh Tùng cười nói: "Mặc dù khi ấy lợi nhuận thu về chưa được nhiều nhưng tính ra vẫn có lãi vì chi phí đầu tư ít. Tôi tận dụng những sản phẩm thu được và sản phẩm phụ từ trồng trọt như rơm, rạ, ngọn mía, lá mì để làm thức ăn cho bò....".   Nhẩm tính, chỉ riêng trong năm 2004, với 40 cây nhãn, 90 cây ổi, 1,2 tấn cá các loại đã đem lại cho anh trên dưới 20 triệu đồng.

 

Từ đàn gà 140 con và 2 lứa heo con, 2 heo thịt, 6 sào mía và đàn nghé, anh thu về khoảng 24 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn hàng trăm cây keo lai làm "của để dành". Hằng năm, thu nhập từ những vụ nhãn, ổi của anh chị cũng "ngót nghét" hàng chục triệu đồng. Năm 2008, anh chị đã cho xuất chuồng 2 con heo nái giống, 1 lứa heo con (10 con).... và các sản phẩm từ mía, mì, lúa, cau với doanh thu hàng chục triệu đồng.

 

Anh Tùng chia sẻ: "Muốn thành công phải biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật một cách nghiêm ngặt và chính xác". Năm 2009 này, bên cạnh vườn nhãn (60 cây), ổi (80 cây), cau (100 cây), anh Tùng và chị Ba đã "chuyển hướng" từ nuôi heo thường sang nuôi heo rừng lai. 23 con heo rừng lai (trong đó có 7 con heo nái và 16 con heo thịt) mà anh chị đang nuôi phát triển tốt. Hiện nay, heo rừng lai giống có giá trên dưới 300 nghìn đồng/kg, heo thịt có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg. "Nuôi heo rừng lai ít dịch bệnh, dễ chăm sóc và dễ tiêu thụ do thị trường rất ưa chuộng. Thời gian đến, tôi sẽ tập trung đầu tư mở rộng quy mô nuôi heo rừng lai"-Anh Tùng cho biết. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh chị còn tích cực tham gia công tác xã hội. Với những thành tích đã đạt được, năm nào vợ chồng anh Tùng, chị Ba cũng được tham dự hội nghị Nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Quảng Ngãi. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", nhờ nghị lực và lòng quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vợ chồng chị đã thành công, biến đất hoang thành "vàng".

Phương Trà


.