Dự báo giá gạo xuất khẩu

08:05, 05/05/2009
.

Năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo.
Chưa năm nào như năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu gạo với mức kỷ lục: 5,2 triệu tấn. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2009, có thể xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn. 6 tháng cuối năm có thể xuất 1,5 triệu tấn. Và Hiệp hội lương thực VN (VFA) trên cơ sở được mùa lúa trên cả nước đã đề xuất tăng thêm 200.000 tấn gạo xuất khẩu, để tròn con số 5,2 triệu tấn! Nhưng trong niềm vui gạo VN đến với thế giới như trẩy hội ấy, vẫn còn không ít nỗi lo về những "hạt sạn" trong công việc xuất khẩu gạo.

 

Đó là vụ 53.500 tấn gạo của Cty du lịch thương mại Kiên Giang bị ách lại dù đã ký hợp đồng giao hàng cho đối tác nước ngoài, một vụ việc tuy được "tháo gỡ" sau đó, nhưng đã để lại nỗi lo về năng lực điều hành xuất khẩu gạo của VFA. Đó là khả năng dự báo giá gạo thế giới trong từng thời điểm để kịp thời có chiến lược và sách lược xuất khẩu gạo, đồng thời với việc bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Đây chính là điểm còn yếu nhất của Việt Nam trong tình hình giá gạo và nhu cầu gạo thế giới lên xuống thất thường.

 

Trong lúc hai "đại gia" xuất khẩu gạo thế giới là Thái Lan và Ấn Độ đang có những động thái "ung dung" một cách không dễ hiểu khi Thái Lan vẫn giữ lượng gạo tồn kho lớn và tiếp tục mua vào theo chương trình trợ giá, còn Ấn Độ lại chưa tích cực xuất khẩu dù đã công bố chỉ tiêu xuất 2 triệu tấn gạo. Những động thái ấy của các "đại gia gạo" nói lên điều gì?

 

Và liệu giá gạo xuất khẩu của VN sau khi đạt đỉnh và tạm bình ổn ở mức 406,73USD/tấn, hiện đang xuống, sẽ xuống tới bao nhiêu là chạm đáy, và sau đó có khả năng tăng trở lại không, và ước tính sẽ tăng được bao nhiêu? Bấy nhiêu câu hỏi ấy rất cần được trả lời, để người nông dân trồng lúa không phải chịu thiệt thòi và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng không lâm vào thua lỗ, nhưng ai sẽ trả lời? VFA chưa làm được nhiệm vụ dự báo ấy. Vì thế, rất cần một cơ quan, một tổ chức hay một nhóm những chuyên gia thật sự giỏi (có thể là trực thuộc hẳn Chính phủ) làm công việc này cho quốc gia.

 

Đã tới lúc phải coi công tác dự báo trong tất cả các lĩnh vực là một công tác thật sự cần thiết và hết sức quan trọng, nhất là công tác dự báo giá gạo xuất khẩu khi VN đang là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, và nhu cầu gạo của thế giới vẫn là nhu cầu rất lớn. Bởi công tác dự báo giá gạo thế giới không chỉ gói gọn trong việc dự báo giá gạo lên hay xuống, mà còn dự báo khả năng lên xuống của nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới, đến từng vùng và đến từng quốc gia có nhu cầu mua gạo. Trong điều kiện bình thường thì thế giới tiêu thụ gạo thế nào, còn trong những điều kiện bất thường như mất mùa do thiên tai ở diện rộng, rồi chiến tranh hay thảm họa thiên nhiên thì giá gạo sẽ thế nào? Khả năng tiêu thụ gạo sẽ tới đâu?

 

Và không chỉ dự báo giá gạo, mà còn phải xác định và dự đoán được giống lúa nào sẽ được giá, giống lúa nào vừa thích hợp với khả năng canh tác của nông dân vừa không bị thị trường gạo thế giới "chê"? Việc nông dân ở ĐBSCL đang đua nhau trồng giống lúa giá gạo rẻ IR50404 là có những nguyên nhân khách quan của nó, khi giống lúa này ít chịu rủi ro bởi sâu rầy và thời tiết, cũng như cho năng suất cao hơn. Nhưng một khi giống lúa này bị "ế" trên thị trường thế giới, thì liệu thị trường nội địa có tiêu thụ hết cho nông dân không? Với giá bao nhiêu? Và làm sao để nông dân có thể an tâm khi trồng những giống lúa có giá xuất khẩu cao? Chỉ có một cơ quan dự báo giỏi mới trả lời tốt những câu hỏi này.

Thanh Thảo


.