Chia sẻ yêu thương

09:03, 17/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khoác lên người chiếc áo blouse trắng, các y, bác sĩ tận tâm với nghề, luôn lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực để chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân. 
    
[links()]
 
Chăm người bệnh như người thân
 
Hằng ngày, ở Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) có khoảng 30 - 40 trẻ sơ sinh điều trị nội trú, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng mắc các bệnh lý, nhẹ cân, non tháng. Bác sĩ Nguyễn Trần Thu Hậu, làm việc ở Phòng Bệnh nặng, Khoa Sơ sinh chia sẻ, với trẻ nhẹ cân, non tháng, ngoài nắm vững kiến thức chuyên môn, đòi hỏi y, bác sĩ phải tận tụy, quan sát, lắng nghe hơi thở, cử chỉ của trẻ hằng giờ, hằng ngày... mới có hướng điều trị tốt.
 
Điều dưỡng trưởng Trần Thị Hoàng Mai -  Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân.
Điều dưỡng trưởng Trần Thị Hoàng Mai - Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hậu quê xã Đức Phong (Mộ Đức). Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Hậu được Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Đến năm 2016, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thành lập, bác sĩ Hậu đảm nhận công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở khoa Nhi như nguyện vọng. Hơn 6 năm làm việc ở lĩnh vực nhi sơ sinh, bác sĩ Hậu không ngừng nỗ lực để chăm sóc, điều trị tốt cho trẻ. Với việc vận dụng tốt kiến thức đã học, không ngại vất vả, nhiệt tình, bác sĩ Hậu đã giúp nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh lý, nằm lồng kính dần phục hồi sức khỏe. 
 
Từ khi bước vào nghề, điều dưỡng trưởng Trần Thị Hoàng Mai- Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) luôn xác định chăm sóc người bệnh là trách nhiệm và là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Đặc thù bệnh nhân ở Khoa Ngoại tổng hợp đa phần là bệnh nhân phẫu thuật cần chăm sóc, điều trị dài ngày. Nhiều bệnh nhân vết thương chưa lành thường đau đớn, rên la. Chị Mai luôn thấu hiểu và xem bệnh nhân như người thân trong gia đình. Chị ân cần trong từng cử chỉ, lời nói, hành động khi chăm sóc người bệnh. Chị đã nỗ lực học từ đồng nghiệp và rút ra kinh nghiệm thực tế nên chuyên môn ngày càng vững vàng. "Để làm tốt công việc chuyên môn, điều dưỡng viên cần có lòng yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp, xem người bệnh như chính người thân của mình thì người bệnh mới thoải mái tâm lý, đỡ phần đau đớn, nhanh chóng hồi phục bệnh", chị Mai chia sẻ.
 
Gần 30 năm gắn bó với nghề y, chị Mai đã nhận được nhiều phần thưởng từ đồng nghiệp và sự hài lòng của người bệnh.   
    
Thấu cảm để yêu thương  
 
Làm việc ở Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chị Trần Thị Thương tuy không trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, nhưng đã tích cực cùng với tập thể phòng làm tốt công tác từ thiện, giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo. 
 
Công việc hằng ngày của chị Thương là hướng dẫn, tiếp đón, hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong quá trình thăm khám, điều trị tại bệnh viện. Tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã giúp chị Thương thấu cảm từng hoàn cảnh, từng số phận người bệnh. Chị Thương đã kết nối với các tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ tiền, hỗ trợ từng suất cơm, cháo cho bệnh nhân. Chị còn phối hợp với các thành viên trong mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội bệnh viện hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
 
Năm 2022, chị Thương cùng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phối hợp với các nhà hảo tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khoảng 19 nghìn suất cơm, cháo cho 20 nghìn lượt người bệnh gặp khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh với tổng số tiền hơn 430 triệu đồng; hỗ trợ 5 chuyến xe chuyển bệnh nhân đi tuyến trên, hoặc đưa bệnh nhân nặng xin về nhà; vận động hỗ trợ 200 bộ đồ bảo hộ, 2.000 khẩu trang N95, 10 xe đẩy nằm cho bệnh viện... 
 
Chị Thương cho biết, tiếp xúc, thăm hỏi trực tiếp bệnh nhân mới thấu hiểu được hoàn cảnh của từng người bệnh. Qua đó, động viên đúng người, hỗ trợ đúng lúc thì món quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với bệnh nhân. "Làm việc nhiều năm, thấu hiểu được bệnh nhân, đem đến niềm vui, giảm được nỗi lo lắng, nỗi đau cho bệnh nhân, tôi thấy mình nhận lại nhiều niềm vui và hạnh phúc. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục thực hiện những việc làm nhỏ bé, kết nối được nhiều nhà hảo tâm, hỗ trợ cho người bệnh, giúp họ yên tâm điều trị”, chị Thương nói.  
 
Bài, ảnh: ÁNH NGUYỆT
 

.