Nhà ở xã hội: Nhu cầu nhiều, nguồn cung ít

11:08, 11/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động (CN, NLĐ) có thu nhập thấp, nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội... Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội hiện rất thấp so với nhu cầu của CN, NLĐ.
 
[links()]
 
Nhu cầu cấp thiết
 
Quảng Ngãi hiện có 21 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút rất đông CN, NLĐ  vào làm việc. Trong đó, nhiều nhất là KKT Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi và KCN Tịnh Phong. Phần lớn số CN, NLĐ làm việc tại đây có nhu cầu về nhà ở để ổn định cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp (DN). Do không có nhà ở gần nhà máy, xí nghiệp, nên sau giờ tan ca, những CN, NLĐ sống cách nhà máy từ 10 - 15km tự đi về nhà. Những người ở xa hơn hoặc ở tỉnh khác thì chọn ở trọ trong các khu dân cư gần chỗ làm, với giá phòng trọ trung bình từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Phần lớn CN, NLĐ là các cặp vợ chồng trẻ còn eo hẹp về tài chính, nên việc mua đất xây nhà nằm ngoài khả năng của họ. Vì vậy, họ thuê những căn phòng cấp 4 chật chội, thiếu thốn để ở tạm...
 
Dù có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân từ năm 2019, nhưng đến nay, dự án Thiết chế công đoàn tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) vẫn chưa hoàn thành.                                       Ảnh: B.SƠN
Dù có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân từ năm 2019, nhưng đến nay, dự án Thiết chế công đoàn tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: B.SƠN
Anh Nguyễn Thái Bình, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, hiện làm việc ở KCN VSIP Quảng Ngãi cho biết, tôi vào Quảng Ngãi làm công nhân đã gần 2 năm nay. Để giảm tiền thuê phòng trọ, tôi phải rủ thêm 3 người nữa cùng thuê phòng trọ với mình, với giá hơn 2 triệu đồng/tháng.
 
Còn anh Vũ Duy Hưng, công nhân Công ty TNHH Millennium Furniture, ở KCN VSIP Quảng Ngãi thì chia sẻ, cả 2 vợ chồng tôi đều ở xa nên phải thuê phòng trọ tại TP.Quảng Ngãi để đi làm cho tiện. Vợ chồng tôi thu nhập thấp, nên rất mong được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội với mức giá phù hợp. Nhưng hiện nay, chúng tôi chưa thấy có dự án nhà ở xã hội nào ở TP.Quảng Ngãi hay KCN VSIP Quảng Ngãi... để tìm hiểu.
 
Theo Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thái Dương, ở KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn CN, NLĐ đang làm việc. Đa phần CN, NLĐ phải thuê nhà trọ để ở. Tình trạng phòng trọ chật chội, nóng bức, thiếu thốn... đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Do đó, khi Tổng LĐLĐ Việt Nam có chủ trương đầu tư xây dựng dự án Thiết chế công đoàn tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), với diện tích 4ha để xây dựng nhà ở xã hội, CN, NLĐ rất vui mừng. “Việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho CN, NLĐ là việc làm cần thiết. Vì với xu hướng hiện nay, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều lao động đến làm việc. Do đó, CN, NLĐ mong muốn các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội để họ sớm được mua hoặc thuê nhà”, ông Dương nói.
 
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội
 
Để đảm bảo đời sống cho CN, NLĐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có một dự án được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư là dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Vạn Tường, xã Bình Trị (Bình Sơn). Dự án do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Tâm và Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam làm chủ đầu tư, với quy mô khoảng 532 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 320 tỷ đồng. Dự án hiện đang bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, có 2 dự án đang lập thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án nhà ở xã hội trong khu đô thị mới Phú Mỹ, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) và dự án nhà ở xã hội Trường Xuân Quảng Ngãi, tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Hai dự án này dự kiến xây dựng khoảng hơn 1.000 căn hộ.
 
Một khu nhà trọ ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), nơi có nhiều công nhân thuê phòng trọ để ở.                        Ảnh: B.S
Một khu nhà trọ ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), nơi có nhiều công nhân thuê phòng trọ để ở. Ảnh: B.S
Mặt khác, để đảm bảo đời sống cho CN, NLĐ, đặc biệt là giải quyết vấn đề nhà ở vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài giúp người lao động “an cư lạc nghiệp” và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định, UBND tỉnh đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân KKT, KCN, trên cơ sở đảm bảo gắn kết hạ tầng kỹ thuật của KKT, KCN và hạ tầng xã hội bên ngoài như giao thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa cộng đồng... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có các DN tự đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở cho công nhân của mình, mà chưa có DN kinh doanh bất động sản nào đầu tư nhà ở cho CN, NLĐ thuê, mua. Toàn tỉnh hiện có 6 DN xây dựng nhà ở, với hơn 1.200 căn hộ, chỉ mới đáp ứng nhu cầu của khoảng 4.500 CN, NLĐ.
 
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vũ Hoài Phương cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội của CN, NLĐ là rất lớn, nhưng chỉ có số ít DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của DN mình. Năm 2019, UBND tỉnh chấp thuận việc giao hơn 2ha đất ở xã Tịnh Phong cho Tổng LĐLĐ Việt Nam xây nhà ở cho CN, NLĐ. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, vì một số vướng mắc nên dự án vẫn chưa thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất chủ trương tăng diện tích triển khai dự án lên 4ha, trong đó phần lớn là xây nhà ở xã hội cho công nhân. Theo chủ trương thì trên khu đất này sẽ xây các khối nhà ở từ 4 - 5 tầng, nhằm đáp ứng chỗ ở cho khoảng 7.000 - 8.000 CN, NLĐ đang làm việc tại KKT Dung Quất, các KCN VSIP Quảng Ngãi và Tịnh Phong...
 
Nhiều nhà đầu tư không mặn mà
 
Theo đại diện Sở Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội nhiều và thời gian qua tỉnh cũng đã quan tâm đến nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhất là nhà ở cho CN, NLĐ tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Tuy nhiên, các vị trí quy hoạch nhà ở cho CN, NLĐ làm việc tại các KKT, KCN chưa có nhà đầu tư đăng ký, vì khó khăn trong thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án này cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, khả năng sinh lời thấp. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ, thì các ưu đãi với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã giảm, khiến nhiều DN ngại đầu tư...
 
B.SƠN - X.HIẾU
 
 
 
 
 

.