Người dân làm nhà bè tránh lũ

10:11, 18/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến mùa mưa, người dân vùng “rốn lũ” xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) lại thấp thỏm lo âu. Để chủ động ứng phó với lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại, một số người dân nơi đây đã làm nhà bè (hay còn gọi là nhà phao), để tránh trú và chứa đồ đạc, tài sản, gia súc, gia cầm...
[links()]
 
Giảm thiểu thiệt hại
 
Những mùa mưa lũ trước, vì nhà ở khu vực thấp nhất xã, lại chăn nuôi theo quy mô gia trại (trên 100 con gia súc, gia cầm các loại), nên gia đình ông Lương Văn Năm, ở thôn Xuân Hòa, luôn có tài sản bị hư hỏng, vật nuôi bị chết, hoặc nước lũ cuốn trôi. Nhưng từ năm 2019 đến nay, gia đình ông Năm không có tài sản, hoặc vật nuôi bị thiệt hại sau mỗi mùa mưa lũ. “Đó là nhờ cái nhà bè có diện tích 18m2 này. Khi nghe dự báo có mưa lớn, tôi liền chuyển đồ đạc, vật dụng và đưa đàn vật nuôi lên nhà bè”, ông Năm cho biết. 
 
Nhà bè của gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).
Nhà bè của gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).
Để đảm bảo mục tiêu “nước lớn bè nổi”, nên nhà bè của ông Năm có "phần móng" được kết từ 12 chiếc phuy nhựa (loại 500 lít/phuy). Kết cấu trụ và khung thép loại lớn, mái lợp tôn lạnh, xung quanh được che chắn bằng lưới B40 kết hợp phủ bạt, nên kín gió. Vì vậy, nhà bè của ông Năm khá chắc chắn, không bị trôi, hoặc lật chìm khi có gió to, hoặc nước lũ chảy xiết. Điều này góp phần đảm bảo an toàn cho  25 - 30 con heo và hàng trăm con gia cầm, cùng nhiều tài sản, vật dụng giá trị trong mùa mưa lũ.  
 
Mùa mưa năm nay, bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, ở thôn Xuân Hòa cũng bớt lo lắng, vì nhà bè đã giúp đàn gia súc, gia cầm của gia đình không còn rơi vào cảnh bị nước lũ cuốn trôi. Với diện tích 24m2, đáy nhà bè của bà Thúy được kết từ 16 chiếc phuy nhựa, khung và sàn nhà được làm bằng gỗ chắc chắn; mái lợp tôn và một phần vách được che chắn bằng gỗ. Mùa nắng, nhà bè được gia đình bà Thúy trưng dụng để chứa đồ đạc, lương thực... 
 
Mùa mưa bão, nhà bè trở thành nơi chứa nhiều tài sản có giá trị, từ xe máy, ti vi, tủ lạnh, quần áo... đến hàng trăm con gia súc, gia cầm. “Nước lụt dâng cao, gia đình tôi cũng ở trên nhà bè. Trường hợp nước chảy quá mạnh, cộng với gió to, mình cũng yên tâm đi sơ tán mà không phải lo tài sản, vật nuôi bị hư hại như mọi năm”, bà Thúy cho biết.
 
Cần nhân rộng mô hình
 
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh, nhà bè đã phát huy hiệu quả rõ nét, trong đó có việc bảo vệ tài sản và đàn vật nuôi của người dân trong mùa mưa lũ. Thống kê từ năm 2019 đến nay, những hộ có nhà bè tránh lũ không xảy ra thiệt hại về tài sản, vật nuôi trong mùa mưa lũ. Qua đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động làm nhà bè, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi gia đình.
 
Tuy nhiên, chi phí làm một nhà bè chắc chắn, đảm bảo an toàn từ 20 - 25 triệu đồng, nên nhiều hộ không có khả năng đầu tư thực hiện. Vì vậy, trên địa bàn xã Hành Tín Đông mới chỉ có khoảng chục hộ đầu tư làm nhà bè tránh lũ; trong khi đó, sau mỗi mùa mưa lũ, vẫn còn nhiều người dân có vật dụng bị hư hỏng, đàn vật nuôi chết, hoặc nước lũ cuốn trôi. Như đợt mưa lụt xảy ra từ 22 - 24/10 vừa qua, có trên 5.700 con gia súc, gia cầm của người dân các địa phương trong tỉnh, tập trung ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức... bị chết hoặc nước lũ cuốn trôi.
 
Không chỉ “rốn lũ” xã Hành Tín Đông, mà hầu hết người dân sống ở khu vực thấp trũng, dễ ngập lụt ở các địa phương trong tỉnh cũng muốn làm nhà bè, để giảm thiểu thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra. Nhưng với những hộ nghèo, khó khăn thì việc đầu tư làm nhà bè là quá sức, nên cần sự chung tay của cộng đồng xã hội trong việc hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân trong mỗi mùa mưa lũ.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.