Cần sự thống nhất về chương trình đào tạo (kỳ cuối)

11:11, 20/11/2021
.
[links()]
 
Kỳ cuối : Nâng cao chất lượng dạy và học văn hóa trong trường nghề
 
(Báo Quảng Ngãi)- Dạy văn hóa trong trường nghề là cần thiết, giúp học sinh (HS) nâng cao kiến thức, có cơ hội để tiếp tục học liên thông lên bậc học cao hơn. Đây là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng HS phổ thông, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải sớm thống nhất về chương trình đào tạo, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng dạy và học văn hóa trong trường nghề. 
 
Xây dựng chương trình phù hợp 
 
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực năm 2015 quy định, HS tốt nghiệp THCS được chọn một trong ba hình thức: Không cần học văn hóa mà chỉ học nghề để tốt nghiệp trung cấp, ra trường đi làm; học 4 môn văn hóa lấy bằng trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa của Bộ GD&ĐT để học liên thông lên cao đẳng; hoặc chọn học 7 môn văn hóa để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Mục đích của việc dạy văn hóa bậc THPT là nhằm giúp HS học trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để có thể theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp.  
Học viên Trường Cao đẳng Cơ giới trong một giờ thực hành.                                                     Ảnh: T.Phương
Học viên Trường Cao đẳng Cơ giới trong một giờ thực hành. Ảnh: T.Phương
Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Khoa học (Trường Cao đẳng Việt Nam- Hàn Quốc - Quảng Ngãi) Lê Xuân Viên cho biết, nhà trường luôn định hướng cho HS lựa chọn học 7 môn văn hóa để các em có thể liên thông khi có nhu cầu. Hơn nữa, nếu HS chỉ học nghề mà không học văn hóa thì sau 2 năm ra trường sẽ chưa đủ tuổi lao động. Thông thường các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngay sau khi HS hoàn thành thời gian thực tập. Vì vậy, nhà trường khuyến khích HS theo học 3 năm để vừa hoàn thành chương trình văn hóa, vừa có bằng nghề và đủ độ tuổi lao động.
 
Phần lớn HS các trường nghề trên địa bàn tỉnh lựa chọn học văn hóa theo chương trình GDTX. Các em học 7 môn theo quy định và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng với thí sinh các trường phổ thông. Vừa học nghề, vừa học 7 môn văn hóa, nên chương trình học đối với HS trường nghề là quá tải. Mặt khác, thời gian học các môn văn hóa để đảm bảo chuẩn chương trình hay thi tốt nghiệp THPT là 3 năm, trong khi đó HS trường nghề chỉ học 2 năm là tốt nghiệp trung cấp nghề, do đó chênh về thời gian giữa học văn hóa và học nghề.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành GD&ĐT nên điều chỉnh chương trình tổng thể phù hợp với HS trường nghề. Việc dạy văn hóa trong trường nghề cần có sự khác biệt, không nên dừng lại ở dạy lý thuyết bởi các môn cần có tính ứng dụng, gắn với kỹ năng nghề. Việc tích hợp các môn văn hóa vào giáo dục nghề nghiệp, chấp nhận sự tương đương giữa 2 bằng THPT và trung cấp nghề sẽ góp phần thực hiện tốt hơn việc phân luồng HS. Việc điều chỉnh chương trình văn hóa trong trường nghề nên có lộ trình phù hợp. Chương trình 9+ hiện nay đang thực hiện tốt việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo trong quá trình quản lý, HS trường nghề giảm áp lực khi học văn hóa, cần chuẩn hóa khối lượng kiến thức THPT khi giảng dạy trong trường nghề. 
 
Cần cơ chế mới trong quản lý và đào tạo
 
Một thực tế hiện nay là, chất lượng đầu vào đối với HS sau tốt nghiệp THCS có khoảng cách rất lớn so với HS đã tốt nghiệp bậc THPT. Trong đó, chỉ có một số ít HS có năng lực học tập khá. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo trong trường nghề đòi hỏi tự thân mỗi trường phải riêng. Xác định khâu quản lý là quan trọng, nên những năm gần đây Trường Cao đẳng Cơ giới đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý HSSV, kể cả việc học văn hóa của các em.  
 
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo có nêu, Sở GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Đối với cơ sở có tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định các môn học lựa chọn theo quy định; đồng thời quyết định thời điểm tổ chức giảng dạy và thi kết thúc môn học phù hợp với điều kiện của cơ sở GD&ĐT. 
 
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất chia nhỏ lớp nghề chất lượng cao đến trường thực hành vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.                   Ảnh: X.Hiếu
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất chia nhỏ lớp nghề chất lượng cao đến trường thực hành vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: X.Hiếu
Góp ý dự thảo, một số trường nghề mong muốn Bộ GD&ĐT cho phép trường nghề được đào tạo 7 môn văn hóa thay vì phải liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh. Bên cạnh đó, một số ý kiến mong muốn Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập trung tâm GDTX trực thuộc để dạy văn hóa trực tiếp trong nhà trường. Điều này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn trong quản lý. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất Nguyễn Duy Dũng cho rằng, nhà trường có đủ nguồn lực để dạy văn hóa. Vì vậy, nếu được Bộ GD&ĐT cho phép nhà trường tổ chức dạy văn hóa cho HS sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDTX tỉnh Nguyễn Trà cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy văn hóa trong các trường nghề, việc đầu tiên nên làm là điều chỉnh chương trình tổng thể phù hợp và có cơ chế thi tốt nghiệp THPT riêng đối với học viên trường nghề. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa hai đơn vị, liên kết chặt chẽ hơn nữa trong quản lý chuyên môn. Cấp quản lý cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề liên kết đào tạo đối với trường nghề và Trung tâm GDTX tỉnh. Các trường nghề phối hợp với Trung tâm GDTX xây dựng quy chế học văn hóa nhằm nâng cao ý thức học tập cho HS. Đồng thời, có chế độ, chính sách phù hợp đối với giáo viên dạy văn hóa trong trường nghề. 
 
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy văn hóa trong trường nghề còn hạn chế. Trong đó, phần lớn HS trường nghề có năng lực hạn chế nhưng phải học cùng lúc chương trình nghề và chương trình văn hóa. Việc sắp xếp, phân bổ lịch giảng dạy  chưa hợp lý, còn chồng chéo nên không đảm bảo tính chuyên cần của HS... Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy và học văn hóa trong trường nghề đòi hỏi phải thay đổi tư duy và có giải pháp phù hợp hơn. Phải có cái nhìn đảm bảo tính công bằng khi xem xét giữa trung tâm GDTX với các trường phổ thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trung tâm GDTX... Các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS.
 
TRỊNH PHƯƠNG - XUÂN HIẾU
 
 
 
 

.