Chăm lo cuộc sống người dân bằng trách nhiệm cao nhất

03:10, 19/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Ngãi đã dốc toàn bộ nguồn lực tài chính để chăm lo cho toàn dân. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên tỉnh lần lượt thực hiện hỗ trợ các trường hợp, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo thứ tự ưu tiên từng mục chi... 
[links()]
 
Nghị quyết số 68 (tại mục 12 phần nội dung hỗ trợ) quy định: "Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác thì căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương". Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện ngân sách địa phương, Quảng Ngãi chưa thể hỗ trợ cho lao động tự do trong thời điểm này.
 
Huyện Nghĩa Hành hỗ trợ gạo cho người dân xã Hành Thịnh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 .              Ảnh: NGỌC dIỆU
Huyện Nghĩa Hành hỗ trợ gạo cho người dân xã Hành Thịnh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 . Ảnh: NGỌC dIỆU
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, trong 2 năm (2019 - 2020) ngân sách tỉnh hụt thu rất lớn, khoảng 6.500 tỷ đồng, hiện chưa thể cân đối được các khoản chi phát sinh trong năm 2021. Trong khi việc chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ phát sinh. Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực hết mình, tiết kiệm các khoản chi theo chỉ đạo của trung ương để ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, với nguồn kinh phí rất lớn.
 
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã chi gần 175 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh cũng vừa tổng hợp nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch trong năm 2021 khoảng 553 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí địa phương chỉ đảm bảo được khoảng 381 tỷ đồng; nguồn đề nghị trung ương hỗ trợ là 122 tỷ đồng, còn lại là huy động đóng góp từ cộng đồng xã hội. Ngân sách được dùng vào việc nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, mua sinh phẩm, hóa chất và vật tư trang thiết bị y tế, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 diện rộng, điều trị cho F0, đón và tiếp nhận hơn 20 nghìn người dân từ vùng dịch về quê...
 
Theo thống kê, việc chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn. Hơn nữa, những người nằm trong diện "lao động tự do" ở trong khu phong tỏa, khu cách ly, thì tỉnh đã vận động tất cả các nguồn tài trợ để giúp đỡ họ. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh không có chuyện người dân thiếu đói, thiếu ăn do dịch covid-19...
 
"Tôi là lao động tự do, nhưng rất chia sẻ với việc tỉnh chưa hỗ trợ cho những người như tôi. Bởi qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết tỉnh hiện khó khăn về kinh phí. Vừa rồi, xã Nghĩa An bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19, tôi và 19 nghìn người dân ở đây được xét nghiệm miễn phí nhiều lần, được hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Chúng tôi rất vui với sự sẻ chia của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân. Mới đây, khi xã được gỡ phong tỏa, tôi đi khám sức khỏe, đủ điều kiện nên đã được nhận vào làm việc trở lại", anh Bùi Văn Hùng, ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), bày tỏ.
 
"Quảng Ngãi đã làm hết mình, bằng trách nhiệm cao nhất để chăm lo cho nhân dân, nhất là bảo vệ sự an toàn sức khỏe nhân dân trong suốt thời gian qua. Đến thời điểm này, Quảng Ngãi chưa hỗ trợ cho lao động tự do là vì tỉnh rất khó khăn về kinh phí. Tuy chưa hỗ trợ, song tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội cho người dân; hỗ trợ người lao động sớm được tiêm vắc xin, yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh sẵn sàng tiếp nhận công nhân vào làm việc để giúp người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống. Tôi mong người dân trong tỉnh đồng hành cùng tỉnh để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường", Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
 
THANH NHỊ
 
 

.