Những công trình mới trên vùng An toàn khu

08:09, 09/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, đã tròn 8 năm kể từ ngày công bố vùng An toàn khu (ATK) của tỉnh Quảng Ngãi, gồm các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Tại các xã này, nhiều dự án, công trình hạ tầng đã được đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, từng bước nâng cao đời sống người dân.
[links()]
 
Bộ mặt mới ở vùng ATK Ba Giang
 
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án xây dựng trung tâm xã Ba Giang mới đã hoàn thành giai đoạn 1. Đây là một cụm công trình gồm: Trường Tiểu học Ba Giang kiêm nhà tránh trú bão; hạ tầng phục vụ xây dựng các cơ quan, trụ sở cấp xã và 43 lô đất tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Ngôi trường mới 2 tầng khang trang sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng trong năm học 2021 - 2022. Bên cạnh đó, các hộ tái định cư đã bốc thăm, phân nền và đã có 5 hộ làm nhà mới; 38 hộ còn lại sẽ hoàn thành nhà dọn về ở trong tháng 10 tới.
 
Người dân vùng sạt lở đã di dời nhà về khu tái định cư nằm cạnh trung tâm xã Ba Giang mới.
Người dân vùng sạt lở đã di dời nhà về khu tái định cư nằm cạnh trung tâm xã Ba Giang mới.
Trước đó, vào năm 2010, khi thành lập xã Ba Giang, ngân sách đầu tư xây dựng trụ sở, trường học, trạm y tế, đảm bảo chỗ làm việc, học hành, khám bệnh cho người dân của xã. Tuy nhiên, khu vực xây dựng trung tâm xã Ba Giang bắt đầu xuất hiện các vết nứt núi và cách đây 8 năm đã xảy ra trận sạt lở lớn. Ngay sau đó, huyện Ba Tơ đã khảo sát, đánh giá địa điểm cũ không đảm bảo an toàn, nên năm 2018, UBND tỉnh chấp thuận cho huyện triển khai dự án trung tâm xã Ba Giang mới, với tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chính thức khởi công năm 2019 và đến nay đã hoàn thành. Hiện nay, huyện đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.
 
Việc đầu tư dự án xây dựng trung tâm xã Ba Giang mới, bao gồm trụ sở cơ quan hành chính cấp xã, trường học kết hợp xây dựng hạ tầng khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở là niềm vui lớn của người dân và chính quyền xã Ba Giang. "Gia đình mình vừa được cấp đất để xây dựng lại nhà. Đã có 5 hộ làm xong nhà mới rồi. Mùa mưa đến mình và các hộ dân trong làng không còn sợ nước sông dâng cao, chảy xiết; không sợ núi Mang Tà Vọt nứt, sạt lở nữa. Nhà ở, trường học đều ở trên cao, con cái đi học cũng không lo lũ cuốn như trước nữa", anh Đinh Văn Phát, ở thôn Nước Lô, phấn khởi cho hay.
 
Đối với chính quyền, việc an cư của người dân trước mùa mưa bão đã giải toả bao nỗi lo "chạy sạt lở" kéo dài 10 năm qua. Chủ tịch UBND xã Ba Giang Trần Thị Thanh Thúy cho biết, người dân an cư, bộ máy hành chính có nơi làm việc an toàn là điều mong ước lớn nhất của chính quyền. Tuy vẫn còn triển khai giai đoạn 2 của dự án, nhưng nỗi lo thì không còn như trước. Người dân vùng nguy cơ sạt lở cao giờ đã nhận đất, chuẩn bị xây nhà ở; nhà tránh bão cũng đã có. Xã mong muốn công trình nhanh chóng hoàn thiện giai đoạn 2 để vùng ATK Ba Giang ngày càng khang trang, an toàn hơn.
 
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp
 
Kể từ ngày được công nhận là vùng ATK, từ nguồn vốn đầu tư cho vùng ATK, thị trấn Ba Tơ đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường, tạo diện mạo khang trang cho thị trấn. Người dân sinh sống dọc các tuyến đường trên địa bàn đều phấn khởi vì đường thông, hè thoáng. Nhiều nhà ở của người dân cũng được đầu tư nâng cấp, xây mới, góp phần làm nên những con phố sầm uất. Chị Phạm Thị Hương, ở đường Trần Quý Hai, thị trấn Ba Tơ cho biết, tôi sống ở đây gần 40 năm, nay đường giao thông được đầu tư thảm nhựa, sạch đẹp. Gia đình cũng cố gắng làm lại căn nhà hai tầng. Trong xóm, nhiều người  dân cũng xây lại nhà mới, mua sắm ô tô. Ở miền núi mà giờ đã có đường đẹp, rộng thênh thang như phố miền xuôi.
 
Hệ thống đường giao thông ở vùng ATK thị trấn Ba Tơ được đầu tư nâng cấp mở rộng.
Hệ thống đường giao thông ở vùng ATK thị trấn Ba Tơ được đầu tư nâng cấp mở rộng.
Hiện nay, huyện Ba Tơ đang tiếp tục đầu tư tuyến đường Trần Quý Hai về phía tây, kết nối giao thông liên hoàn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V của thị trấn Ba Tơ, tiến đến đạt tiêu chí giao thông của đô thị loại IV. Tuyến đường này hiện đang trong giai đoạn thảm nhựa, trong tháng 9 này sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ba Tơ sẽ tiếp tục đầu tư một cây cầu bắc qua sông Liên, nối tuyến đường Trần Quý Hai với tuyến đường Ba Chùa - Hành Tín Tây, tạo trục giao thông liên vùng. Khi có đường giao thông thuận lợi, huyện sẽ kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị để khai thác quỹ đất ở khu vực này thành một vùng sầm uất.
 
Còn tại vùng ATK Ba Vinh, nơi có căn cứ cách mạng Cao Muôn đã được Nhà nước đầu tư nhiều công trình lớn, cải tạo diện mạo nông thôn, miền núi. Đặc biệt, năm 2018, xã được đầu tư khu tái định cư Nước Y, di dời người dân vùng sạt lở về xây dựng nhà cửa, từng bước ổn định cuộc sống. Tại vùng ATK Ba Chùa (nay một phần đã sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ, một phần sáp nhập vào xã Ba Dinh - PV), từ ngân sách, huyện đã đầu tư tuyến đường Ba Chùa - Hành Tín Tây kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển giao thương giữa Ba Tơ - Nghĩa Hành và vùng lân cận.
 
 
Phát huy giá trị văn hóa Làng Teng
 
Cùng với một số địa phương khác, kể từ khi được công nhận là vùng ATK, xã Ba Thành được đầu tư nhiều dự án để từng bước hoàn thiện hạ tầng, nhất là về giao thông. Đặc biệt, thôn Làng Teng có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời đã được đầu tư dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Làng Teng", trên diện tích 1,48ha; tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục: San nền, sân vườn, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, nhà kho và nhà vệ sinh. Đồng thời, sưu tầm, phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, kết hợp trưng bày, tổ chức truyền dạy nghề và nghiên cứu biểu diễn dân ca, dân nhạc...
Bài, ảnh:THANH HUYỀN
 
 
 
 
 
 

.