Khan hiếm nguồn công nhân, lao động

04:04, 20/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Hàng chục nghìn vị trí việc làm vẫn chưa tuyển được người, trong khi tiến độ dự án và các đơn hàng đang hối thúc, khiến doanh nghiệp (DN) phải tổ chức nhiều hoạt động tìm lao động ở nhiều địa phương.
[links()]
Hàng nghìn việc làm chờ người lao động
 
Sau 3 lần tạm hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phiên giao dịch việc làm đầu tiên năm 2021 vừa được tổ chức tại huyện Bình Sơn. Hơn 14 nghìn vị trí việc làm được các DN thông báo cần tuyển dụng. Tại phiên giao dịch việc làm lần này, có 55 DN đăng ký thông tin tuyển dụng; trong đó, có 14 DN tuyển dụng trực tiếp, các DN khác gửi thông tin tuyển dụng. Cụ thể, Công ty TNHH Millenium Furniture (KCN VSIP Quảng Ngãi), chuyên sản xuất bọc nệm ghế sofa, có nhu cầu tuyển dụng trên 3.000 LĐ. Số LĐ này vừa bổ sung lượng LĐ đã nghỉ việc sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vừa phục vụ cho việc mở rộng một xưởng sản xuất mới của công ty. Công ty TNHH Kingmaker III (KCN VSIP Quảng Ngãi) cần tuyển 1.000 LĐ phổ thông. Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cần tuyển hơn 6.000 LĐ ở nhiều vị trí điện, cơ khí, kỹ thuật viên...  
Công nhân làm việc tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.  Ảnh: T.Nhị
Công nhân làm việc tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành. Ảnh: T.Nhị
Nhu cầu tuyển dụng của DN cũng đa dạng về trình độ LĐ như: Công nhân may có tay nghề, chuyên viên nhân sự, phiên dịch viên, quản lý, nhân viên thị trường, thợ cơ khí, lái xe, công nhân giày da, sửa chữa ô tô... Mức lương các DN đưa ra dao động từ 5 - 15 triệu đồng/tháng tùy vị trí việc làm, kèm theo là các chế độ đãi ngộ dành cho người có kinh nghiệm. Số lượng LĐ cần tuyển dụng nhiều, chế độ làm việc hấp dẫn, nhưng số lượng nhân công mà DN tuyển được rất thấp so với kế hoạch. 
 
Trên thực tế, số LĐ tuyển dụng từ đầu năm đến nay của các DN chiếm chưa đến 20% chỉ tiêu tuyển dụng. Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Ngô Văn Trọng nhìn nhận: "Từ đầu năm đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã thu hút 6.500 lao động mới vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiều DN vẫn thiếu trầm trọng lao động, nhất là các ngành công nghiệp nặng như thép, đóng tàu, xây dựng hạ tầng, may mặc. Thời gian đến, nếu không có sự dịch chuyển lao động từ các nơi khác về, thì tình trạng tuyển dụng lao động vẫn còn rất khó khăn, do lao động địa phương không đáp ứng đủ".
 
Đa dạng hình thức tuyển dụng 
 
Các phiên giao dịch việc làm không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN, nên nhiều DN đã triển khai nhiều phương thức để tiếp cận LĐ. Công ty TNHH Mensa Industries (KCN VSIP Quảng Ngãi) tổ chức tuyển dụng LĐ thông qua hình thức đăng tải thông tin trên Facebook, website của doanh nghiệp, tuyển trực tiếp tại công ty. Cùng với đó, các nhân viên tuyển dụng đi về các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền và tuyển dụng trực tiếp vào các ngày cuối tuần. “Hiện công ty có gần 4.000 LĐ. Từ đầu năm đến nay, công ty đã tuyển được gần 1.000 LĐ từ các hình thức trên”, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH Mensa Industries Đặng Hồng Sơn cho biết.
 
Ngoài ra, để có nguồn LĐ, một số DN triển khai các chương trình như thưởng cho các nhân viên, người LĐ trong công ty khi họ giới thiệu được LĐ mới vào làm việc. 
Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Bình Sơn.  Ảnh: X.HIẾU
Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại Sàn giao dịch việc làm tổ chức ở huyện Bình Sơn. Ảnh: X.HIẾU
Đối với ngành may mặc, với đặc thù sử dụng nhiều lao động thì hiện nay đang rất khó khăn. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP May Vinatex Nghĩa Hành Đặng Trọng Tâm, công ty đã thông báo đến tận xã, cử cán bộ đến nhà có LĐ trong độ tuổi tuyển dụng để mời vào làm việc tại nhà máy. Tuy nhiên, số lượng NLĐ tuyển được cũng rất ít. Có địa phương, rà soát chỉ có 10 LĐ mà có đến 20 nhà tuyển dụng đến thu hút. Chưa bao giờ công tác tuyển dụng lao động lại khó như hiện nay.
 
Lý giải việc khan hiếm LĐ, nhân viên phụ trách tuyển dụng của Công ty Millenium Furniture Nguyễn Thị Bích Thu cho biết: “Sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, số LĐ nghỉ làm, chuyển việc tại công ty khá cao, giờ phải tuyển lại để bù vào khoảng trống đó. Ngoài ra, công ty tiếp tục mở thêm xưởng mới, nên cần tuyển thêm số lượng LĐ lớn. Nhưng thời điểm này rất khó tuyển dụng LĐ, bởi DN ngày càng nhiều mà ứng viên thì ít”.
 
Do tuyển dụng không đủ lao động, nên các dây chuyền mở rộng ở các nhà máy, xí nghiệp không thể hoạt động được. Như 3 nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang "đóng chân" tại Quảng Ngãi, hàng loạt dây chuyền hiện đại không hoạt động nhiều tháng nay vì không có nhân lực. Thậm chí, một số nhà máy đã phải thay thế bằng dây chuyền bán tự động, tất cả các khâu vận hành gần như tự động hóa, hạn chế sử dụng con người để ứng phó với tình hình thiếu hụt nhân công hiện nay.
Cầu nối cho doanh nghiệp và người lao động
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đỗ Tiến Tân cho biết: Năm 2021, đơn vị tiếp tục thực hiện thu thập và cung cấp thông tin thị trường LĐ cho 20.000 - 22.000 LĐ; tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, trực tuyến và chuyên đề; hỗ trợ, tư vấn việc làm cho khoảng 10.000 - 12.000 lượt LĐ trong nước; cung ứng 3.000 - 3.500 LĐ cho các KKT, KCN. Trung tâm sẽ tăng cường các biện pháp để bảo đảm hoàn thành kế hoạch, cũng như hỗ trợ giải quyết việc làm cho LĐ trong tỉnh.

THANH HUYỀN - XUÂN HIẾU

 
 
 
 
 
 

.