Những tên chợ xưa

09:02, 14/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tên gọi không hoa mỹ, nhiều chợ trong tỉnh đã đặt tên rất riêng, mang nét đặc trưng... Thế nên, dẫu trải qua đổi thay, nhịp sống ngày càng hiện đại, người Quảng Ngãi vẫn giữ và gọi tên chợ xưa, để nhắc nhớ những kỷ niệm xưa cũ.
[links()]
"Nước Mặn" thành tên chợ
 
Ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn), nằm ngay trên Quốc lộ 1 có một khu chợ với cái tên nghe rất độc đáo, đó là chợ Nước Mặn. Đưa đôi mắt hằn vết chân chim về hướng xa, ông Võ Giàu (82 tuổi) nhớ những ngày được ông bà ông kể lại về sự ra đời của tên “chợ Nước Mặn”. Ông Giàu bảo: “Ở vùng này từ xa xưa có nhiều sông, lạch gần biển, nên nguồn nước bị nhiễm mặn. Dần dà, tự nhiên thay đổi, những con sông, lạch tại đây bị bồi lấp, cạn dần biến thành vùng đất bằng phẳng.  
Chợ Nước Mặn ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) đặt theo tên khu vực này từ xa xưa.                    Ảnh: S.D
Chợ Nước Mặn ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) đặt theo tên khu vực này từ xa xưa. Ảnh: S.D
Người dân đến đây sinh sống ngày một đông và mở ra hoạt động buôn bán. Mới đầu chỉ là một, hai người bán. Sau đó, nhu cầu tăng lên, người bày bán ở chợ cũng nhiều lên. Khi tôi 5, 6 tuổi, được mẹ dẫn đi chợ Nước Mặn mua cho cây kẹo, cái bánh thì vui mấy ngày liền”.
 
Chợ hoạt động từ lâu, song đến thời kỳ Pháp thuộc tên chợ mới “khai sinh” là chợ Nước Mặn. Người dân đặt tên này, vì vùng đất nơi đây vẫn còn nhiễm mặn.
 
Theo ông Giàu, vị trí chợ Nước Mặn rất đắc địa. Chợ nằm ở khu vực trung tâm cách các đồn đóng quân, cơ quan hành chính của Pháp rất gần, thuận tiện cho sự quản lý của bọn chúng. Chợ Nước Mặn cũng là nơi để các chiến sĩ cách mạng nằm vùng hoạt động trao đổi, nắm bắt thông tin từ người dân buôn bán ở đây. Đến thời kỳ 1945 - 1954, quân địch thả bom, đánh phá, càn quét quá ác liệt, nên người dân dời chợ lên núi Hố Sửu ở thôn Nam Bình 2 để tránh địch. Sau năm 1954, chiến tranh “hạ nhiệt”, người dân xã Bình Nguyên về sửa chữa nhà cửa tiếp tục cuộc sống và gầy dựng hàng hóa buôn bán ở chợ Nước Mặn, đến nay đây vẫn là nơi giao thương sầm uất ở vùng này. Tại đây bày bán đủ mặt hàng, nhu yếu phẩm cần thiết không những phục vụ cho người dân xã Bình Nguyên mà khách hàng ở các xã Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Khương và ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng đến mua bán.
 
“Say” chợ Hàng Rượu
 
Nhiều người dân sống ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cho biết, họ “say” chợ Hàng Rượu dẫu tên chợ có đổi thành chợ thị trấn Sơn Tịnh. “Dù con em quê hương có đi tứ phương, nhưng khi gửi hàng hóa về cho gia đình ở đây thì thường nói gửi về địa chỉ chợ Hàng Rượu”, ông Trương Quang Thành chia sẻ. 
Người dân ở huyện Sơn Tịnh vẫn quen với cái tên
Người dân ở huyện Sơn Tịnh vẫn quen với cái tên "chợ Hàng Rượu". Ảnh: Sương Dương
Ông Thành từng là cán bộ địa phương tham gia trong công cuộc trùng tu, sửa chữa chợ, nên trong ký ức của ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với chợ Hàng Rượu. Ông Thành kể: “Tôi nghe các bậc cao niên kể lại, thời Pháp thuộc, tại đây, có một hàng rượu nổi tiếng tên là Si - Ca. Tiệm rượu này chuyên cung cấp rượu ở huyện Sơn Tịnh và các huyện lân cận thời đó. Theo đó, người dân địa phương cũng lấy tên Hàng Rượu đặt tên chợ để dễ nhớ. Chợ nằm ngay trục đường chính thuận tiện qua lại, buôn bán. Dần dần, người dân tập trung buôn bán tại chợ này nhiều hơn, làm sôi động cả một vùng”.
 
Chợ Hàng Rượu đã nhiều lần đổi tên. Từ sau năm 1975, chợ Hàng Rượu đổi tên thành chợ Sơn Long, đến năm 1987 là chợ thị trấn Sơn Tịnh. Tuy vậy, người dân bản địa vẫn luôn quen thuộc với cái tên mộc mạc đầu tiên là chợ Hàng Rượu.
 
Ông Vy Văn Thức, người quản lý ở chợ hơn chục năm nay, cho hay: “Dẫu tên hiện tại là chợ thị trấn Sơn Tịnh, nhưng tiểu thương ở đây đều quen gọi là chợ Hàng Rượu, bởi nó đã ăn sâu trong tiềm thức của chúng tôi. Có lẽ với lý do đó, nên khu chợ mới của phường Trương Quang Trọng khôi phục lại cái tên chợ Hàng Rượu để gợi nhắc về một điều mộc mạc, thân thương gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ nơi đây”.
 
Sương Dương
 
 

.