Những người kiên cường

08:01, 11/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời, không ngừng tập luyện thể dục để nâng cao sức khỏe và lối sống khoa học. Đó là nỗ lực của những người trở về sau căn bệnh tai biến.
[links()]
Chiến thắng "tử thần"
 
Trở về sau khi trải qua những cuộc điều trị bệnh tai biến, ông Nguyễn Nam Trung, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) như được hồi sinh. Giờ đây, ông càng hiểu rõ giá trị cuộc sống và trân trọng sức khỏe của bản thân hơn. Chiều về, ông Trung lại đến Trung tâm Saigon Fitness Gym & Yoga để tập thể dục. 
Nhờ chăm luyện tập thể dục và sống khoa học, nên ông Nguyễn Nam Trung, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) đã vượt qua bệnh tai biến.
Nhờ chăm luyện tập thể dục và sống khoa học, nên ông Nguyễn Nam Trung, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) đã vượt qua bệnh tai biến.

 

Ông Trung chia sẻ: “Lúc mới bị bệnh, toàn thân tôi gần như bại liệt, không thể sinh hoạt được. Sau khi được chữa trị và bắt đầu hồi phục, tôi nghĩ mình phải chăm tập thể dục, sống lành mạnh, khoa học thì mới vượt qua được căn bệnh này. Đã gần 10 năm nay, sức khỏe của tôi gần như phục hồi được 80% như trước”. Ngoài việc thường xuyên duy trì chế độ tập luyện thể dục, thể thao, ông Trung còn thực hiện chế độ ăn uống khoa học như không dùng các chất kích thích, ngủ sớm và giữ cho mình tinh thần lạc quan, yêu đời nhất.

Cứ mỗi sáng sớm, ông Phạm Thanh Mười (55 tuổi), ở thôn Nghĩa Kỳ Bắc, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) dành hơn 1 tiếng đồng hồ để tập thể dục. Thói quen này đã được hình thành hơn 3 năm nay, kể từ khi ông trở về sau căn bệnh tai biến. Năm 2017, ông Mười bị tai biến và sau khi cấp cứu, chữa trị, các bệnh viện “trả về” vì không thể cứu chữa. Những tưởng nửa cuộc đời còn lại ông phải sống nương nhờ vào vợ con. Tuy nhiên, với ý chí, nỗ lực của bản thân, ông đã tự vận động, rồi tập đứng, tập đi. Sau hơn một năm kiên trì tập luyện, ông Mười đã dần hồi phục và đến nay sức khỏe ông đã bình phục trở lại.
 
“Tuy không làm được những công việc nặng nhọc, nhưng phụ giúp vợ con thì tôi vẫn làm. Sức khỏe tôi bây giờ đã dần ổn định cũng nhờ chăm tập thể dục, vận động và ăn uống điều độ. Bây giờ tôi có thể tự đi lại, đến nhà thăm bà con lối xóm. Tuy đã khỏe nhưng tôi không chủ quan, cứ vài tháng lại đi thăm khám và sinh hoạt khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ”.
 
Hết khó tới... khổ
 
Niềm vui đón đứa con đầu lòng tròn 1 tuổi chưa được bao lâu, thì anh Văn Xuân Lợi, ở thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mắc phải căn bệnh đột quỵ. Ngay sau đó, gia đình anh phải tốn gần 300 triệu đồng để đưa anh đi khắp nơi chữa trị. “Đó là năm 2009, số tiền gần 300 triệu không hề nhỏ mà ba mẹ, anh em và gia đình phải vay mượn để chữa trị cho tôi, nhưng kết quả vẫn không tiến triển. Tất cả các bệnh viện đều "lắc đầu" và họ dự đoán quãng đời còn lại tôi sẽ sống đời sống thực vật. Nhưng sau đó vài năm, cùng với nỗ lực của gia đình, bản thân đã tập luyện và sức khỏe cũng tiến triển dần. Đến nay thì hồi phục hơn 80% rồi”. 
 
Dù vượt qua bệnh tai biến, nhưng anh Văn Xuân Lợi, ở thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vẫn không thể làm những công việc nặng để phụ giúp kinh tế cho gia đình.
Dù vượt qua bệnh tai biến, nhưng anh Văn Xuân Lợi, ở thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vẫn không thể làm những công việc nặng để phụ giúp kinh tế cho gia đình.

 

Tuy sức khỏe vẫn chưa đảm bảo nhưng vì hoàn cảnh gia đình, phải mưu sinh để lo cho hai đứa con nhỏ, nên anh Lợi vẫn thường xuyên đi tìm việc làm. Lúc trước, anh xin phụ hồ cho các công trình xây dựng. Vì sức khỏe yếu nên anh chỉ nhận được nửa số lương so với người khác và rồi sau đó, cũng chẳng còn chủ thầu nào thuê anh nữa.

“Bây giờ, tất cả chi phí sinh hoạt của cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương ít ỏi của vợ. Tôi mắc thêm căn bệnh động kinh là do di chứng của tai biến mà ra nên không thể đi làm xa được. Chủ yếu là ở nhà chăm hai đứa nhỏ, mình là trụ cột gia đình mà không lo được cho gia đình đôi khi thấy bất lực lắm!”, anh Lợi tâm sự.

Hoàn cảnh của anh Lợi càng éo le hơn, khi đứa con gái mới 9 tuổi của anh lại bị bệnh tim bẩm sinh. “Giờ tôi chỉ ước có công việc làm ổn định, rồi cùng vợ chữa bệnh cho con. Kinh tế gia đình eo hẹp, rồi gặp đợt dịch Covid-19 kéo dài, nên vợ chồng tôi chỉ biết cầm cự cho qua ngày thôi”, anh Lợi trải lòng.
 
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT
 
 
 
 
 

.