Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: Đa dạng hình thức tuyên truyền

05:11, 23/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, cùng với việc xây dựng các chính sách, chương trình, dự án về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, góp phần vào công tác truyền thông tại cơ sở.
[links()]
Giai đoạn 2014 - 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 1.500 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Nạn nhân BLGĐ chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già. Nguyên nhân là do nhận thức pháp luật còn hạn chế, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn, cờ bạc, tệ nạn xã hội. 
 
Đội tuyên truyền của xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) thường xuyên bám sát địa bàn để chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân về xây dựng gia đình hạnh phúc.                    ẢNH: X.H
Đội tuyên truyền của xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) thường xuyên bám sát địa bàn để chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân về xây dựng gia đình hạnh phúc. ẢNH: X.H
Có thể thấy, BLGĐ từ lâu đã trở thành vấn nạn của xã hội, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ và Luật Bình đẳng giới đến với người dân.
 
Để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả sâu rộng, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh, qua các buổi tập huấn, hội nghị hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt nhóm của các câu lạc bộ (CLB); tuyên truyền cổ động trực quan qua các khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức những cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi gia đình hạnh phúc, hòa giải viên giỏi...
 
Cùng với đó, việc xây dựng và phát huy vai trò hạt nhân của các CLB, mô hình phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giải quyết BLGĐ tại cộng đồng cũng được chú trọng. Hình thức sinh hoạt CLB đa dạng, nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực đã thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ, các CLB gia đình phát triển bền vững. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 549 mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Các CLB, mô hình, nhóm phòng, chống BLGĐ đi vào hoạt động đã góp phần hỗ trợ các nạn nhân ổn định về tâm lý, báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để có hướng giáo dục, xử lý đối tượng gây ra bạo lực.
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 diễn ra từ ngày 15.11 đến ngày 15.12.2020, với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Tháng hành động nhằm tạo nên một chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong phạm vi toàn tỉnh.
Đội ngũ tuyên truyền viên luôn bám sát khu dân cư, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phát triển kinh tế với các hộ dân; nắm bắt kịp thời các hộ gia đình có hoàn cảnh phức tạp, nguy cơ tan vỡ để giúp đỡ và hòa giải kịp thời, giúp nhiều gia đình sống hạnh phúc. Thông qua các hoạt động truyền thông liên tục và chất lượng, người dân đã thay đổi hành vi, nhận thức, sống hòa thuận, các giá trị trong đời sống gia đình được đề cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Nguyên (Bình Sơn) Nguyễn Thị An cho hay: Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng ở xã không chỉ là nơi giúp đỡ phụ nữ hoặc trẻ em lánh nạn khi bị bạo hành, mà còn là nơi tuyên truyền, tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ; tháo gỡ mọi bất đồng tình cảm giữa vợ chồng, giúp họ xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2012, mô hình “Địa chỉ tin cậy” của xã đã tiếp nhận, giúp đỡ 5 trường hợp chị em phụ nữ bị bạo hành và tiến hành hòa giải thành công. đến nay không phát hiện thêm trường hợp BLGĐ nào khác.
 
Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hương cho biết: Hiện nay, các mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cơ sở được duy trì sinh hoạt, tăng cường công tác tuyên truyền của các CLB về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và hệ thống các văn bản liên quan đến bình đẳng giới; phòng, chống BLGĐ, hôn nhân và gia đình... tới người dân trên địa bàn. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, BLGĐ trong cộng đồng dân cư, nên hạn chế được tình trạng BLGĐ.
 
VŨ YẾN
 
 
 
 
 

.