Vu Lan - Mùa báo hiếu

02:09, 03/09/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Hàng năm, đến ngày rằm tháng Bảy âm lịch, phật tử nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung đều hướng về lễ Vu Lan báo hiếu. Họ suy ngẫm và tỏ lòng  thành kính biết ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Nguồn gốc của lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ trong đạo Phật. Sự kết hợp giữa giáo lý từ bi và truyền thống thờ cúng tổ tiên đã trở thành yếu tố chính cho lễ này lưu truyền đến ngày nay.
 
Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Đại đức Thích Thông Huy cho hay: Ngày lễ Vu Lan trở thành ngày hội hiếu của dân tộc. Dù người có đi chùa hay không đi chùa thì đến rằm tháng Bảy đều nhớ về cha mẹ, về những người đã khuất, những anh hùng liệt sĩ của dân tộc... Người ta muốn làm cái gì đó để đền đáp công ơn của người quá cố. 
 
Sư thầy Thích Hạnh Khiết hạnh phúc khi các con do sư thầy nuôi dưỡng đều ngoan ngoãn, lương thiện. ẢNH: Đ.SƯƠNG
Sư thầy Thích Hạnh Khiết hạnh phúc khi các con do sư thầy nuôi dưỡng đều ngoan ngoãn, lương thiện. ẢNH: Đ.SƯƠNG
 
“Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ Vu Lan năm nay tổ chức có phần hạn chế và tuỳ tình hình thực tế của từng địa phương mà có hình thức tổ chức lễ phù hợp, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh của người dân, đồng bào phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu, vừa đảm bảo an toàn trongphòng, chống dịch”, Đại đức Thích Thông Huy nói.
 
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì, tăng ni chùa Phước Quang, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) tổ chức lễ Vu Lan gọn nhẹ nhưng không kém phần trang nghiêm. Sư thầy trụ trì Thích Hạnh Khiết cho biết: Vào đầu tháng Bảy âm lịch năm trước đã có hàng trăm phật tử gần xa về chùa dự lễ. Nhưng năm nay, để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, nhà chùa hạn chế đón phật tử về dự lễ. Chùa tổ chức không tập trung quá 50 người mà vẫn đảm bảo những phần lễ chính như cầu nguyện, thuyết giảng về tình mẫu tử thiêng liêng…
 
Tại chùa Phước Quang, sư thầy Thích Hạnh Khiết đang nuôi dưỡng 10 cháu nhỏ bị bỏ rơi. Vậy nên, sư thầy vừa là cha, là mẹ dưỡng dạy các cháu. Tuy không có tình thương của người đã sinh ra, nhưng các cháu có được tình yêu thương, dạy bảo của sư thầy nên đều ngoan ngoãn, hiếu học. Nhân dịp lễ Vu Lan, những người con này thể hiện lòng hiếu thảo đối với công ơn dưỡng dục mà sư thầy dành cho mình. Việc làm ý nghĩa của sư thầy Thích Hạnh Khiết đã cảm hóa được tấm lòng, đạo hiếu của các gia đình phật tử.
 
“Từ năm 1991 đến nay, tôi nuôi dưỡng 46 người con. Nhìn các con khỏe mạnh, ngoan hiền là niềm động viên rất lớn đối với tôi. Các con đều được học hành đến nơi đến chốn và trong số này có hơn 30 người đã trưởng thành, lập gia đình riêng. Điều làm tôi mừng là các con đều có cuộc sống ổn định, sống lương thiện và dù có đi đâu xa, các con vẫn nhớ về chùa, cùng chia sẻ, hỗ trợ tôi quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc các em nhỏ tại chùa”, sư thầy Thích Hạnh Khiết kể. 
 
Gia đình phật tử Nguyễn Thị Toan làm lễ báo hiếu tại nhà. ẢNH: TR.ÂN
Gia đình phật tử Nguyễn Thị Toan làm lễ báo hiếu tại nhà. ẢNH: TR.ÂN
 
Vào dịp lễ Vu Lan năm nay, tuy không tổ chức lớn như mọi năm nhưng các phật tử sinh hoạt tại chùa Tịnh Nghiêm ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) vẫn tự ý thức và làm lễ tưởng niệm tại nhà.
 
Theo Liên đoàn trưởng gia đình phật tử Tịnh Nghiêm Nguyễn Thị Toan: Ngày Vu Lan là ngày mà tất cả người con đều nghĩ tới công dưỡng dục của cha mẹ. Cha mẹ nào cũng mong con cái biết đến chữ đạo hiếu, biết kính trọng cha mẹ và biết sống làm sao có ích cho gia đình và xã hội.
 
“Báo hiếu cha mẹ bằng cách tự thân mình hoàn thiện, học giỏi, sống đạo đức, sống ngoan hiền. Bởi vì triết lý của nhà Phật nói rằng, trong tấm thân này, trong hình hài này là sự hiện hữu, là sự tiếp nối của cha và mẹ. Và những đứa con lớn khôn, có công việc ổn định, hiếu thảo với cha mẹ chính là món quà ý nghĩa nhất mà các con dành cho tôi trong ngày lễ Vu Lan này”, bà Toan bày tỏ.
 
Dù cuộc sống có thay đổi, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều vấn đề của nhịp sống công nghiệp, thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên và được đề cao. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành, dưỡng dục, góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
 
Bài, ảnh: TR.ÂN - Đ.SƯƠNG
 
 
 

.