Nghĩa tình đẹp tựa mây xanh

09:09, 28/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), bà Nguyễn Thị Thanh Vân luôn là điểm tựa của nhiều hội viên nghèo. Dù đã 60 tuổi, nhưng bà luôn xông xáo xây dựng nhiều mô hình, tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng sinh hoạt hội và hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên.
Đồng hành cùng phụ nữ nghèo
 
Đều đặn mỗi tháng, bà Vân đi kiểm tra, thu gom từng hũ gạo tình thương đặt tại các máy xay xát gạo trong thôn để cân, bán cho tiểu thương lấy tiền bỏ vào quỹ để giúp phụ nữ nghèo. Ngoài ra, bà Vân còn xây dựng nhiều mô hình thiết thực nhằm gắn kết, hỗ trợ hội viên. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (bên trái) thu gom gạo từ hũ gạo tình thương bán gây quỹ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (bên trái) thu gom gạo từ hũ gạo tình thương bán gây quỹ.
Bà Vân chia sẻ: "Với mong muốn chi hội luôn là điểm tựa, mái nhà chung của phụ nữ nên tôi xây dựng, phát động nhiều mô hình thiện nguyện. Để gầy dựng quỹ hội và có tiền hỗ trợ phụ nữ nghèo, năm 2013, tôi triển khai 2 mô hình ở thôn là "thu gom phế liệu" và "hũ gạo tình thương". Những năm trước, trong thôn có nhiều phụ nữ khó khăn cần hỗ trợ theo tháng nên tôi mang gạo từ hũ gạo tình thương đến trao. Khoảng 2 năm nay không còn trường hợp đặc biệt để hỗ trợ định kỳ, nên tất cả gạo được bán để lấy tiền giúp phụ nữ khó khăn vào dịp cuối năm. Trung bình mỗi năm, từ hũ gạo tình thương, chi hội phụ nữ thôn thu hơn 1 tấn gạo, mang về khoảng chục triệu đồng".
 
Từ số tiền của mô hình "hũ gạo tình thương", "thu gom phế liệu", chi hội phụ nữ thôn Tư Cung trao từ 40 - 50 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm. Ngoài ra, từ số tiền quỹ của chi hội, bà Vân còn đề xuất cho hội viên mượn từ 1 - 3 triệu đồng không lấy lãi, để họ có thêm vốn làm ăn...
 
"Mỗi năm có từ 6 - 7 lượt chị em mượn tiền để có vốn làm ăn, đóng tiền học cho con... Nhưng tiền quỹ của chi hội chỉ gần 20 triệu đồng, nên thấy chị em nào cần gấp thì tôi lấy tiền của mình cho mượn. Ở quê, phải chờ đến vụ mùa mới bán được lúa hay lứa heo, gà nên nhiều chị em khó khăn cần tiền gấp thì tôi giúp trong khả năng của mình", bà Vân bộc bạch.
 
Được bà Vân cho mượn tiền để mở quán bánh xèo, chị Đỗ Thị Liễu, ở xóm Khê Hòa, thôn Tư Cung xúc động nói: "Chồng mất, một mình tôi nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn nên năm 2016, cô Vân cho tôi mượn 2 triệu đồng để mở quán bánh xèo. Nhờ có sự hỗ trợ của cô Vân mà tôi có vốn làm ăn. Số tiền rất quý giá đối với những người nghèo khó như tôi".
 
Hòa giải viên của thôn
 
Không chỉ luôn đồng hành cùng phụ nữ nghèo, gặp khó khăn mà nhiều năm qua, bà Vân còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật của xã Tịnh Khê, với hơn 50 thành viên tham gia. Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, nhà của bà Vân cũng chính là "địa chỉ tin cậy" của thôn, để nhiều chị em tìm đến khi gặp tình trạng bạo lực, bạo hành.
 
“Làm công tác phụ nữ đã mười mấy năm, được nhiều chị em tin tưởng nên mỗi khi gia đình họ có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” hay gặp phải bạo hành thì họ lại tìm đến tôi để được tư vấn, giúp đỡ. Đa số các vụ việc đều được tôi hòa giải, tư vấn thành công và suốt 5 năm qua, chưa có cặp vợ chồng nào ly hôn”, bà Vân vui mừng nói.
 
Suốt một chặng đường dài gắn bó với công tác phụ nữ, xây dựng nhiều mô hình, hoạt động để gắn kết, đồng hành cùng hội viên, bà Vân liên tục được các cấp hội phụ nữ khen thưởng. Vừa qua, bà Vân là điển hình tiên tiến được Hội LHPN tỉnh biểu dương trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015 - 2020.
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 

.