Giỏi nghề sẽ có nhiều cơ hội việc làm

10:09, 23/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì vào các trường đại học, cao đẳng bằng mọi giá, những năm gần đây, nhiều bậc phụ huynh và học sinh đã nhìn nhận và thay đổi tư duy về học nghề. đó là, ít coi trọng bằng cấp đại học, xem có việc làm ổn định sau khi học xong THCS hoặc THPT là ưu tiên hàng đầu.
Thông tin tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không ngừng gia tăng trong thời gian qua, đã tác động mạnh đến sự lựa chọn của nhiều người trước cánh cửa vào đời.
 
Chọn làm thợ ngày càng nhiều
 
Năm 2018, Đỗ Việt Hùng (21 tuổi), ở huyện Bình Sơn, đang học năm thứ 2 Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã quyết định bỏ đại học để vào trường nghề. Hùng đã chọn chương trình đào tạo ngành bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Qua tìm hiểu thông tin, Hùng được biết ngành này được học giáo trình của Đức.
 
“Đức là nước có nền công nghiệp phát triển bậc nhất của Châu Âu, giáo trình và thực hành của Đức được đánh giá rất tốt trên thế giới. Vì vậy, em quyết định vào trường nghề. Làm thợ dù “lép vế” hơn kỹ sư, nhưng có tấm bằng kỹ sư mà không xin được việc làm, thì đi làm thợ vẫn hơn...”, Hùng chia sẻ. Đến nay, Hùng đã hoàn thành kỳ học đầu tiên, vì yêu thích nghề, nên Hùng tiếp thu rất nhanh, tay nghề tiến bộ từng ngày. 
 
Sau khi học nghề, Nguyễn Đinh Xuân Huy, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã có việc làm tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất với mức lương ổn định.
Sau khi học nghề, Nguyễn Đinh Xuân Huy, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã có việc làm tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất với mức lương ổn định.
 
Hiện nhiều người tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp. Trong khi đó, Quảng Ngãi có nhiều KCN, học nghề ra trường nhiều người trẻ có việc làm ổn định với mức lương khá. Đó là lý do mà Nguyễn Đinh Xuân Huy (24 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), quyết định chọn học nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
 
Giờ Huy đã tốt nghiệp, được nhận vào làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Huy chia sẻ: “Em đã chọn học nghề, so với các bạn cùng lứa thì có công việc ổn định, mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng. Em thấy quyết định học nghề của mình là đúng”. Không chỉ vậy, Huy còn tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ những người bạn trong quân ngũ tham gia học nghề cùng mình.
 
“Học nghề đang là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được phụ huynh và học sinh quan tâm khi chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề, bỏ qua bậc học THPT. Hướng đi này giúp các em có thể rút ngắn được thời gian học tập, tiết kiệm kinh phí cho gia đình. Học theo hình thức này, các em được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Giảm học phí, được vay vốn ngân hàng... Hiện nhu cầu nhân lực lao động nghề chất lượng cao của tỉnh rất nhiều. Vì thế, giỏi nghề sẽ không lo thiếu việc làm".
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH LƯƠNG KIM SƠN 
Lợi thế 9+
 
Những năm gần đây, các trường nghề đã tiếp nhận đông đảo số học sinh tốt nghiệp bậc THCS tham gia đăng ký học nghề. Đơn cử như năm học 2019 - 2020, Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi đã tuyển sinh trên 950 em; trong đó, có 800 học sinh tốt nghiệp bậc THCS đăng ký học nghề. Số học sinh theo học tại trường cũng tăng 40% so với 3 năm trước.
 
Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2020  có những điều khoản tác động đến công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Điểm mới đáng chú ý là học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy.
 
Từ năm học 2018 - 2019, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất là một trong những trường đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm tuyển sinh đối tượng là THCS học trình độ cao đẳng nghề theo chương trình 9+. Sau khi tốt nghiệp, học sinh sẽ được cấp 2 bằng: Bằng cao đẳng chính quy công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành và bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên, với thời gian đào tạo 3,5 năm. 
 
Học viên ngành công nghệ ôtô của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất trong một buổi thực hành.
Học viên ngành công nghệ ôtô của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất trong một buổi thực hành.
 
Học xong lớp 9, Trần Đức Tiến (18 tuổi), ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa), xác định sẽ theo học trung cấp nghề. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ, Tiến được tư vấn học chương trình 9+ hệ cao đẳng, vì thế Tiến đã quyết định rẽ hướng sang học nghề bảo trì cơ khí hệ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. “Sau khi cân nhắc, em thấy chương trình 9+ này rất phù hợp. Em vừa được trang bị kiến thức văn hóa, vừa hình thành được tay nghề vững chắc, so với các bạn học sinh THPT thì có nhiều lợi thế”, Tiến nói.
 
Song song với đào tạo nghề, các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng đến việc hoàn chỉnh giáo dục văn hóa THPT theo hướng giảm tải và tinh gọn. Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi Nguyễn Tưởng Duy, sau khi học tập, các em sẽ được nhận bằng tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy và có thể lựa chọn việc làm ngay sau tốt nghiệp hoặc tham gia học tiếp liên thông bậc học cao hơn. Có thể thấy, đây là hướng đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
 
Nhiều lựa chọn nghề cho học sinh
 
Theo thông tin từ 10 trường cao đẳng và trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh, hiện công tác tuyển sinh năm học 2020 - 2021 đang được thực hiện. Trong đó, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất tuyển sinh hệ cao đẳng với 22 nghề, hệ cao đẳng chất lượng cao 7 nghề, hệ trung cấp 18 nghề; Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi tuyển sinh hệ cao đẳng với 9 nghề, hệ trung cấp 23 nghề; Trường Cao đẳng Cơ giới tuyển sinh 18 ngành học cho cả 2 hệ cao đẳng và trung cấp…
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 
 
 
 
 

.