Vững bước trên đôi chân khuyết tật

10:08, 02/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu đôi chân không lành lặn, ông Dương Tấn Vẳn, ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) vẫn "bước đi" bằng quyết tâm và nghị lực, không ngừng vươn lên để nuôi dạy con cái ăn học nên người. 
Đã sang cái tuổi lục tuần, ông Vẳn vẫn không cho mình được nghỉ ngơi. Trong nhà ông Vẳn lúc nào cũng vang vọng tiếng đục, cưa gỗ. Ông Vẳn bị liệt đôi chân do bị lên cơn sốt năm 1 tuổi. Khi lớn lên, nhận biết được bất hạnh của mình, ông đã tự động viên bản thân nỗ lực, không ngừng vươn lên. Hằng ngày, ông đều men theo hàng rào, tường nhà để tập đi những bước đầu tiên.
 
“Mới đầu rất đau, nhưng dần rồi quen. Tuy bước đi không vững chãi, chỉ cần tinh thần vững chãi thì dẫu có bước chậm hơn so với người khác, thì đó cũng là thành công của bản thân”, ông Vẳn tâm sự. 
 
Dẫu khiếm khuyết đôi chân, ông Dương Tấn Vẳn, ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) vẫn chăm chỉ làm việc, lo cho gia đình.
Dẫu khiếm khuyết đôi chân, ông Dương Tấn Vẳn, ở thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) vẫn chăm chỉ làm việc, lo cho gia đình.
Khi ấy, hằng ngày, cậu bé Vẳn vẫn dậy sớm đến trường, chăm chỉ học tập. Song, gia đình nghèo khó nên phải nghỉ học giữa chừng. Sau đó, chàng trai trẻ học nghề làm thùng gỗ dùng để đựng muối mắm. Làng trên, xóm dưới đều ngợi khen Vẳn giàu nghị lực. Ngày ngày, người thanh niên có đôi chân không lành lặn luôn cần mẫn làm thùng muối mắm giao cho khách hàng.
 
Hạnh phúc lại mỉm cười với chàng thanh niên giàu nghị lực, khi một lần chèo ghe cùng bạn qua bên xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi, khi ấy thuộc Tư Nghĩa), Vẳn gặp cô gái miền biển và họ đã nên duyên vợ chồng. Nhớ lại phút giây định mệnh của mấy mươi năm trước, bà Trần Thị Là, vợ ông Vẳn trải lòng: “Vừa gặp tôi đã thương ổng. Dù cơ thể chồng tôi bị khiếm khuyết, gia đình tôi ngăn cản, nhưng bằng tình yêu chân thành, chúng tôi đã vượt qua tất cả để tạo dựng tổ ấm cho riêng mình. Trồng rau, trồng bắp, làm đủ việc để kiếm sống, dù thiếu thốn, vất vả nhưng hạnh phúc lắm!".
 
Có người nâng khăn sửa túi, ông Vẳn càng cố gắng lao động. Bên cạnh làm thùng đựng mắm, ông Vẳn còn mày mò học thêm nghề mộc; rồi sau đó, ông quyết định chuyển hẳn qua nghề mộc. Ba người con lần lượt ra đời, vợ chồng cố gắng lao động để nuôi con. Tuổi càng lớn, đôi chân ông Vẳn yếu dần. Ông Vẳn phải dùng hai chiếc ghế nhựa để di chuyển cho vững đôi chân.
 
Thương bố mẹ cực khổ, người con trai lớn là Dương Tấn Trình (26 tuổi) đành dừng việc học, theo học nghề mộc với cha để kiếm tiền nuôi hai em. Hai người con còn lại của ông cũng đã vào được đại học. Hiện tại, con gái thứ hai là Dương Thị Thương (25 tuổi) đã tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính - Kế toán và đang công tác tại TP.Đà Lạt (Lâm đồng); còn người con trai út là Dương Tấn Trị đang học năm 4 tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh). Các con ông đều hiểu hoàn cảnh vất vả của bố mẹ, nên luôn chăm chỉ học tập và đi làm thêm để chia sẻ khó khăn với gia đình.
 
“Tôi khiếm khuyết đôi chân nên tôi dành tình thương của mình gấp nhiều lần cho các con để các con không tự ti, mặc cảm, động viên các con yên tâm học tập để có tương lai tươi đẹp”, ông Vẳn chia sẻ.  
 
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 
 
 

.